Cần Thơ triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông đường thủy
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Hiện nay, TP Cần Thơ đang tập trung nhân rộng các mô hình về giao thông thủy nhằm đảm bảo trật tự an toàn cho hành khách.

Nhiều giải pháp được đưa ra nhằm giảm thiểu TNGT đường thủy tại Cần Thơ
 

Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, ĐBSCL là khu vực tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy cao nhất cả nước. Trong đó, TP Cần Thơ là trung tâm của vùng, việc phát triển kinh tế - xã hội nơi đây mang sắc thái vùng sông nước rõ rệt.

Chính vì vậy, vấn đề nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa là điều vô cùng quan trọng, nhất là trong mùa mưa lũ.

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, hiện nay trên cả nước có hơn 2.400 bến đò với trên 6.000 phương tiện tham gia hoạt động mỗi ngày. Riêng ĐBSCL có trên 1.500 bến với hơn 3.000 phương tiện tham gia giao thông hàng ngày, chiếm 61% về bến và phương tiện của cả nước.

Trong đó, TP Cần Thơ là trung tâm của vùng, vấn đề phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội không thể tách rời với hoạt động giao thông đường thủy. Chính vì vậy, đường thủy đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc vận tải hành khách, hàng hóa cũng như phát triển du lịch vùng sông nước nơi đây.

Đến nay, Ban An toàn giao thông TP Cần Thơ đã phối hợp với các cơ quan chức năng và Ban An toàn giao thông các quận, huyện hỗ trợ hơn 1.000 cặp áo phao cho học sinh tiểu học có hoàn cảnh khó khăn đi học bằng phương tiện thủy; đồng thời trao gần 1.000 dụng cụ nổi cứu sinh cầm tay cho các chủ bến, chủ phương tiện. Ngoài ra mở nhiều lớp tập huấn trang bị kiến thức giao thông đường thủy cho mọi người.

Ông Huỳnh Văn Thơm, chủ bến đò ngang xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ cho rằng, ý thức người dân khi tham gia giao thông đường thủy ngày càng được nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về hành động của quần chúng nhân dân trong việc chấp hành pháp luật, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy.

Ông Huỳnh Văn Thơm nói: "Hiện nay, quy định đối với các phương tiện khi vận tải hành khách ngang sông đều phải có áo phao, dụng cụ nổi cầm tay cho hành khách. Được sự hướng dẫn của các cấp chính quyền cũng như Ban An toàn giao thông, người dân đã hiểu được khi qua đò cần phải mặc áo phao".

Hiện nay, TP Cần Thơ đang tập trung nhân rộng các mô hình về giao thông thủy nhằm đảm bảo trật tự an toàn cho hành khách. Trong đó, nổi bật như: mô hình bến đò an toàn, mô hình khu dân cư an toàn ven sông hay mô hình tuyến sông thanh niên…

Theo ông Nguyễn Văn Út, ngụ ở quận Ninh Kiều cho rằng, hiện nay nhiều bến đò trên địa bàn thành phố, nhất là Bến đò Ninh Kiều đã được chính quyền địa phương đầu tư, nâng cấp. Đồng thời, các chủ đò, chủ phương tiện cũng trang bị các vật dụng cần thiết cho hành khách khi tham gia giao thông đường thủy nên người dân rất yên tâm.

Việc tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố. Trong đó, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở chủ phương tiện thủy trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, cứu đắm.

Đồng thời cần quan tâm đầu tư, duy tu, nạo vét luồng tàu chạy, bổ sung biển báo hiệu đường sông, lắp đặt hệ thống phao, neo báo hiệu đảm bảo an toàn cho phương tiện tại nơi có vùng nước xoáy để đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa, vận tải hành khách an toàn bằng phương tiện thủy.

Theo Thiếu tá Huỳnh Văn Hướng, Phòng Cảnh sát đường thủy Công an TP Cần Thơ, hiện nay Cảnh sát đường thủy đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành giải tỏa các đăng đáy cá tạo thông thoáng cho luồng giao thông. Ngoài ra, sẽ chấn chỉnh hoạt động chở khách du lịch bằng đò chèo trên Bến Ninh Kiều cũng như vấn đề khai thác cát trên sông Hậu.

Thiếu tá Huỳnh Văn Hướng cho biết thêm: "Phía lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy sẽ tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm. Đặc biệt là tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền vận động trong quần chúng nhân dân, nhất là với người tham gia giao trên đường thủy. Trong đó, tuyên truyền tại các bến đò dọc, đò ngang để chủ bến đò và hành khách đi trên phương tiện có thể hiểu biết được các quy định pháp luật về an toàn giao thông đường thủy".

Theo Hải Phong (VOV-ĐBSCL)

Quay lại

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang online: 102
Tổng số truy cập: 16354198