“Bẫy cọc” dày đặc sông Hậu Giang
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Đa số là cọc tre, cọc cau, cọc tràm được cắm xuống đáy kênh sâu trên 10m rất nguy hiểm cho tàu qua lại.

23

Nhiều "bẫy cọc" trên sông gây mất ATGT đường thủy ở Hậu Giang

Kênh sông Nước Trong là một trong những tuyến đường thủy huyết mạch đi  qua địa bàn ba xã Vĩnh Viễn, Vĩnh Viễn A và Lương Tâm của huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang với chiều rộng hai bờ khoảng 120m. 

Đây là con đường thủy vận chuyển, trao đổi hàng hóa, nông sản của người dân các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang và Bạc Liêu. Hàng ngày, có hàng trăm phương tiện di chuyển trên tuyến kênh này, đặc biệt vào các ngày thu hoạch nông sản, số phương tiện lưu thông tăng gấp hai, ba lần. Kênh sông Nước Trong còn là con đường lưu thông duy nhất của nhiều hộ dân trong khu vực, do địa bàn nhiều ấp hiện chưa có lộ dân sinh.

Hiện nay, trên tuyến sông này, nhiều hộ dân tiến hành cắm cọc rào "nuôi" trồng lục bình thương phẩm. Đa số là cọc tre, cọc cau và cọc tràm được cắm xuống đáy kênh sâu trên 10m rất nguy hiểm cho tàu, ghe qua lại.

Chị Phạm Thị Mỹ Tiên (37 tuổi, ngụ ấp 5, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) chưa hết bàng hoàng vì sự cố vướng phải cọc trên kênh cách đây không lâu. "Cây cối thì còn nguyên, mà không có lục bình, hôm bữa tôi cũng vướng phải cọc, chìm xuồng…", chị Tiên kể.

Ghi nhận tình hình trên, ông Nguyễn Lâm Thành, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Hậu Giang cho biết: "Ban ATGT tỉnh đã có đề xuất địa phương sớm đưa ra hướng giải quyết vừa đảm bảo đời sống người dân vừa trả lại mỹ quan cũng như đáp ứng yêu cầu ATGT thủy cho các phương tiện lưu thông qua tuyến kênh này".

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Thanh Triều, Phó chủ tịch thường trực UBND xã Lương Tâm cho biết: "UBND xã đã thành lập đoàn để vận động các hộ tháo dỡ các cọc trên kênh. Các hộ cũng cam kết thời gian tới sẽ nhổ hết trụ cọc để giải quyết dòng chảy và tạo điều kiện an toàn cho phương tiện lưu thông".

Tuy nhiên, ông Hứa Hoàng Gởi, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Viễn cho biết, việc thanh thải các trụ cọc còn gặp nhiều khó khăn bởi nhiều hộ dân nuôi trồng lục bình bằng cách thuê mướn. Khi lục bình chết để lại các trụ cọc nhưng lại không phải của người dân địa phương nên gây khó khăn trong công tác quản lý và giám sát việc thanh thải. "Về phía địa phương sẽ tiếp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sớm khắc phục tình trạng mất ATGT từ các trụ cọc", ông Gởi nói.

Thanh Trúc

Quay lại