Đường thủy chấm dứt công nghệ “đốt đèn”
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Hết năm 2015, đường thủy sẽ chấm dứt giai đoạn vận hành hệ thống đèn báo hiệu ban đêm theo công nghệ "đốt đèn" và chuyển sang công nghệ tự động.


Đèn năng lượng mặt trời có khả năng chống ẩm cao, tiết kiệm chi phí quản lý, vận hành (Ảnh thử nghiệm ngâm đèn năng lượng mặt trời trong nước trước khi xuất xưởng)


Cách đây hơn chục năm ngành Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) VN bắt đầu làm quen với đèn báo hiệu ban đêm dùng năng lượng mặt trời thông qua một dự án do nước ngoài tài trợ và lắp đặt thí điểm trên 156 km tuyến đường thủy Quảng Ninh - Phả Lại. Trước năm 2010, phần lớn đèn tín hiệu ban đêm trên các tuyến đường thủy vẫn sử dụng công nghệ "đốt đèn" với đặc điểm là sử dụng ắc quy để thắp sáng đèn, nên thường xuyên phải có lực lượng đi thay thế ắc quy, thậm chí có chỗ còn sử dụng điện lưới để thắp sáng đèn báo hiệu.

Khi đó, loại bóng đèn được sử dụng là "đèn sợi đốt", đến năm 2010 đã được cải tiến bằng việc dùng đèn Led (đi-ốt phát quang), giúp tiết kiệm năng lượng hơn và ắc quy dùng được lâu hơn. Thời gian qua, Cục ĐTNĐ VN đã cố gắng thay thế đèn năng lượng mặt trời trên tuyến tuyến đường thủy quốc gia, nhưng ước tính hiện còn khoảng hơn chục tuyến, với gần 1.000 km vẫn đang sử dụng công nghệ báo hiệu "đốt đèn".

"Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý luồng tuyến, báo hiệu đường thủy, hàng hải là xu thế tất yếu, so với các nước trên thế giới không phải là mới. Một số đơn vị ngoài nước và trong nước đang đề nghị được thí điểm cung cấp dịch vụ miễn phí. Cục ĐTNĐ VN đang xem xét để lựa chọn công nghệ phù hợp nhất và có thể thí điểm trên tuyến đường thủy phức tạp".

Ông Hoàng Hồng Giang
Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN

Theo ông Ngô Anh Tuân, Trưởng phòng Hạ tầng của Cục ĐTNĐ Việt Nam, hết năm 2015, tất cả các đèn sử dụng công nghệ cũ sẽ được thay bằng đèn năng lượng mặt trời, chấm dứt thời kỳ "đốt đèn" của ngành Đường thủy. "Ưu điểm của đèn năng lượng mặt trời là duy trì cường độ ánh sáng liên tục, khả năng chống thấm cao và giảm được chi phí nhân công quản lý, bảo trì thường xuyên", ông Tuân cho biết thêm.

Cùng đó, nằm trong kế hoạch hiện đại hóa quản lý luồng tuyến, Cục ĐTNĐ Việt Nam đang cập nhật để số hóa hơn 17.000 phao tiêu, báo hiệu đường thủy lên bản đồ số trên trang điện tử. Ông Trương Trọng Doanh, Trưởng phòng KHCN - hợp tác quốc tế và Môi trường (Cục ĐTNĐ VN) cho biết, giai đoạn đầu các phao tiêu, báo hiệu được đưa lên bản đồ hạ tầng luồng tuyến với các chi tiết như: Loại báo hiệu, vị trí tọa độ, hình ảnh thực tế. Mục đích để cơ quan quản lý giám sát được từ xa về vị trí, chất lượng phao tiêu, báo hiệu để có kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa; giúp cho thuyền trưởng khi cập nhật trên mạng sẽ biết trước được đặc điểm luồng tuyến của luồng đang qua. Về lâu dài sẽ phục vụ việc xây dựng bản đồ số, tự động chỉ dẫn phương tiện giống như trên đường bộ.

Hiện tại, hệ thống báo hiệu các tuyến đường thủy trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được thí điểm đưa lên bản đồ hạ tầng đường thủy và dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành cập nhật tất cả các tuyến đường thủy quốc gia.

Theo Huy Lộc (Báo Giao thông)

Quay lại