Trang chủ

khoa học công nghệ - môi trường

Dấu tích kênh nhà Lê tại Hà Tĩnh
Từ khóa Xem với cỡ chữ
Kênh đào nhà Lê được làm từ thời vua Lê Hoàn vào năm 983, trải qua nhiều thế kỷ, hiện nay một số đoạn kênh tại Hà Tĩnh vẫn còn nguyên vẹn, khung cảnh rất đẹp.

Kênh nhà Lê được xây dựng từ thời vua Lê Đại Hành, hoàn thiện từ thời vua Lê Lợi, kéo dài từ Ninh Bình tới Hà Tĩnh. Tại Hà Tĩnh, nơi bắt nguồn kênh nhà Lê nằm ở ngã ba Sông Lam, nối giữa xã Đức Vĩnh (huyện Đức Thọ) và huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Đoạn kênh qua địa phận Hà Tĩnh sâu khoảng 3-5 m, rộng trung bình 10 m, dài hơn 100 km, chảy quanh co qua làng mạc của các huyện Đức Thọ, Hồng Lĩnh, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, thị xã Kỳ Anh rồi đổ ra biển.

 

Thời vua Lê Đại Hành, hệ thống kênh đào cổ này dùng để vận tải quân lương về phía Nam Đại Cồ Việt nhằm mở rộng lãnh thổ phía Nam và phát triển kinh tế nông nghiệp nước nhà. Kênh được xem là tuyến đường thủy nội địa từ kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình), nối liền các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Đến thời Lý, Trần, kênh là đường quân sự để chiến thuyền đi đánh quân xâm lược; tới thời vua Lê Lợi, hệ thống kênh đào được hoàn chỉnh.

 

Theo sử sách, để đào kênh, nhà vua đã ra sắc chỉ. Địa phương nào nhận được chỉ thị thì phải huy động người dân tới làm, qua thời gian, các thế hệ cứ thế nối tiếp bồi đắp, nạo vét để giao thương đi lại buôn bán.

 

Trong số kênh đào nhà Lê trên địa phận Hà Tĩnh, đoạn kênh dài khoảng 10 m chảy qua xóm 5 xã Đức Thịnh (huyện Đức Thọ) là tương đối nguyên vẹn và đẹp nhất. Ông Lê Bá Hạnh, Phó giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho biết, trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ những lùm cây cối um tùm ở nhiều đoạn kênh nhà Lê tại Hà Tĩnh thường được dùng để giấu khí tài, đạn dược giúp tiền tuyến đánh giặc. Đây cũng là nơi lưu dấu ấn của vua Lê Lợi trong thời gian lập căn cứ Đỗ Gia (chống quân Minh).

 

Bên bờ kênh nhà Lê tại xã Đức Thịnh có nhiều cây lộc vừng cổ thụ, mùa hè nóng bức người dân thường ra đây hóng mát. Nhiều bạn trẻ cũng tới đây lưu giữ những khoảnh khắc bởi cảnh vật đẹp.

 

Trước kia nhiều đoạn tại huyện Đức Thọ người dân phải đi lại bằng thuyền để vượt kênh, nay nhiều cây cầu đã được xây mới để phục vụ cuộc sống.

 

Một số đoạn kênh có khung cảnh thơ mộng, nước trong veo. Người dân thường xây bến, các bậc lên xuống để tắm rửa, giặt giũ sinh hoạt. Khi hạn hán, nước từ kênh dùng để tưới tiêu đồng ruộng.

 

Được phù sa bồi đắp nên đất ở hai bên bờ kênh nhà Lê tại Hà Tĩnh màu mỡ, người dân đã cải tạo, canh tác, trồng hoa màu để phục vụ cuộc sống.

 

Bên bờ kênh nhà Lê thuộc thị xã Hồng Lĩnh có rất nhiều làng mạc. Hình ảnh đàn bò đang gặm cỏ, làn khói lam chiều trôi nhè nhẹ theo sóng nước tạo nên một khung cảnh thanh bình.

 

Qua thời gian, một số đoạn kênh nhà Lê bị bồi lấp, xuống cấp. Ở đoạn qua xã Thái Yên (huyện Đức Thọ) bèo tây bao phủ cả dòng chảy, cầu cũng gãy lan can gây nguy hiểm cho người qua lại.

 

Một số nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa cho hay, kênh đào nhà Lê là tổng hòa của mọi tác dụng từ kinh tế tới quân sự, là nơi kết nối với mọi miền đất nước. "Những dấu tích, hiện trạng nguyên vẹn của kênh nhà Lê cần được bảo tồn để thế hệ sau biết được giá trị của một công trình ghi dấu ấn lịch sử, tồn tại qua nhiều thế kỷ và hiểu rõ truyền thống hào hùng của cha ông", ông Lê Bá Hạnh, Phó giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh nói và cho biết thời gian tới sẽ góp ý với chính quyền chú trọng cải tạo kênh, lắp đặt bia chỉ dẫn ở nơi khởi nguồn của kênh tại ngã ba Sông Lam để khẳng định giá trị lịch sử.

Theo vnexpress.net

 
Quay lại