Trang chủ

khoa học công nghệ - môi trường

Kết nối vận tải đa phương thức trên hệ thống đường thủy nội địa
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Tạp chí GTVT - Nâng cao năng lực vận tải thủy trong chuỗi vận tải đa phương thức là hướng đi quan trọng để thúc đẩy phát triển hệ thống ĐTNĐ phía Bắc.

Tìm hướng đi đúng

Ngày 28/7, Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam đã tổ chức Hội thảo "Kết nối các phương thức vận tải trên hệ thống ĐTNĐ phía Bắc". Chương trình nằm trong khuôn khổ nghiên cứu "Phát triển vận tải đa phương thức trong hệ thống ĐTNĐ phía Bắc Việt Nam" thuộc Ý định thư Hợp tác hữu nghị giữa Bộ Giao thông Công trình công cộng Chính phủ vùng Flanders, Vương quốc Bỉ và Bộ GTVT Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Hoàng Minh Toàn cho biết: "Chặng đường phía trước của lĩnh vực ĐTNĐ còn rất nhiều việc phải làm, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội phát triển mới. Hơn hết, ĐTNĐ cả nước nói chung và khu vực phía Bắc nói riêng chỉ có thể phát triển trong chuỗi vận tải đa phương thức. Đây cũng chính là một mắt xích quan trọng không thể tách rời. Do vậy, ngoài việc nghiên cứu các giải pháp đầu tư, phát triển vận tải thủy, phải xem xét mối quan hệ giữa ĐTNĐ với các lĩnh vực vận tải khác như đường bộ, hàng hải, đường sắt", Phó Cục trưởng Hoàng Minh Toàn bày tỏ.

Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Hoàng Minh toàn phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà quản lý, doanh nghiệp vận tải thủy với rất nhiều chia sẻ, nhiều ý kiến, những băn khoăn, trăn trở, và sự kỳ vọng đối với chiến lược và chính sách phát triển vận tải ĐTNĐ và hàng hải trong khu vực phía Bắc. Trong đó tập trung vào các nội dung gồm: Phân tích hiện trạng và giải pháp thúc đẩy vận tải đa phương thức trong hệ thống ĐTNĐ phía Bắc Việt Nam, giải pháp kết nối vận tải tại các cảng biển; chia sẻ thông tin về hệ thống logistics khu vực phía Bắc Việt Nam, tiềm năng phát triển vận tải container và các cảng cạn ICD trong khu vực, thảo luận các cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp vận tải thủy,…

Theo nghiên cứu phát triển vận tải đa phương thức trong hệ thống ĐTNĐ phía Bắc Việt Nam, ông Nguyễn Huy Hoàng – Trưởng phòng Dự báo tổ chức vận tải, Viện Chiến lược phát triển GTVT cho biết, xét trên quy mô khối lượng vận chuyển, cự ly vận chuyển của từng loại mặt hàng và từ tình hình thực tiễn, hiện chỉ có hàng chuyên chở bằng container là có khả năng phù hợp với tổ chức vận tải đa phương thức có sử dụng hình thái vận tải thủy nội địa.

Theo Ts. Nguyễn Cao Ý (Trường Đại học GTVT), để phát triển vận tải đa phương thức ĐTNĐ hiện nay cần chú trộng nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ hỗ trợ vận tải tại các cảng ĐTNĐ lớn, cụ thể là năng lực xếp dỡ và dịch vụ hậu cần vận tải container bằng ĐTNĐ.

Gỡ "rào cản" của sự phát triển

Đồng quan điểm trên, các đại biểu tham dự Hội thảo cùng cho rằng, việc nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ vận tải cho ĐTNĐ là giải pháp rất cấp thiết để thúc đẩy sự phát triển vận tải thủy. Trong đó, xây dựng những sàn giao dịch vận tải là một ví dụ điển hình nhất, có hiệu quả tối ưu nhất.

Hàng chuyên chở bằng container có khả năng phù hợp với tổ chức vận tải đa phương thức

Tham dự tại Hội thảo, ông Đỗ Cường Quốc – Trưởng phòng Cảng, Công ty TNHH Hải Linh chia sẻ, trong thời gian vừa qua, công ty mới đi vào khai thác vận chuyển container bằng đường thủy, dù bước đầu có hiệu quả tích cực nhưng chưa đạt 50% khả năng chuyên chở. Để khắc phục những khó khăn hiện tại, Công ty Hải Linh đề xuất các cơ quan hữu quan tạo chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng ĐTNĐ, từ đó doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong việc phân bổ hàng hóa đang vận chuyển chủ yếu trên đường bộ xuống đường thủy. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần được sự hỗ trợ kỹ thuật chuyển đổi công năng từ phương tiện thủy thông thương thành tàu chở container đa năng.

Còn theo Công ty cổ phần Đầu tư Bắc Kỳ, để thúc đẩy phát triển vận tải ĐTNĐ cần xây dựng hệ thống cảng sông. Tuy nhiên, Quyết định quy hoạch, cấp đất hiện nay bị phân tán và chồng chéo bởi nhiều cơ quan. Cụ thể: Quy hoạch vị trí do Bộ GTVT; giao đất do chính quyền địa phương quyết định; phần lớn cảng nằm ngoài đê nên cần sự thống nhất của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tổng cục đê điều...

"Đây là một hành trình vô cùng gian nan của doanh nghiệp, tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức. Điều này cũng là một ‘chướng ngại vật' rất lớn cho doanh nghiệp đầu tư vào vận tải thủy. Chúng tôi đề xuất nên tập trung về một đầu mối được sự ủy quyền của Chính phủ đê việc cấp phép và triển khai được tập trung về một đầu mối", đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Bắc Kỳ chia sẻ.

Chuyên gia giao thông đường thủy Phạm Minh Nghĩa - Chủ tịch Hiệp hội vận tải thủy cho rằng, việc cần làm hiện nay là quy hoạch lại hơn 8 nghìn cảng, bến thủy nội địa. Bởi lẽ, với số lượng cảng, bến quá nhiều như vậy thì sẽ rất khó có thể xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa các hình thái giao thông (đường sắt, đường bộ) một cách đầy đủ và hiệu quả. Theo đó, nếu các cụm cảng, bến được quy hoạch tập trung, hiện đại, thì việc đầu tư hệ thống giao thông kết nối sẽ trở nên khả thi và có hiệu quả tối ưu.

20 năm quan hệ Việt – Bỉ trong lĩnh vực ĐTNĐ

Chính phủ vùng Flanders, Vương quốc Bỉ là một đối tác quan trọng trong chiến lược phát triển vận tải thủy của Việt Nam. Với sự tương đồng về mạng lưới đường thủy dày đặc, cũng như quan điểm chung trong việc thúc đẩy phát triển vận tải thủy, Chính phủ Flanders đã hỗ trợ Cục ĐTNĐ Việt Nam nhiều nội dung về chuyển giao công nghệ, nhân lực, tài chính, tăng cường năng lực, đã đào tạo hàng ngàn lượt học viên các khóa ngắn hạn, dài hạn cho phía Việt Nam.

Ông Wouter Vanhees - Tham tán thương mại và đầu tư vùng Flanders cho biết, sự hợp tác này bắt đầu từ năm 1995 với Bản Hợp tác Hữu nghị được kí kết giữa Bộ trưởng Bộ GTVT Việt Nam và Bộ Giao thông công chính vùng Flanders. Năm 2016, Chính phủ Flander đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện nghiên cứu phát triển vận tải đa phương thức kết nối với ĐTNĐ khu vực phía Bắc. Gần đây nhất là tháng 12/2016, Ý định thư giữa 2 nước sẽ tăng cường sự hợp tác trong giai đoạn 2017 – 2019.

Chương trình bao gồm rất nhiều Hội thảo nghiên cứu về nhiều chủ đề, như kiểm soát lũ lụt, bảo trì nạo vét bền vững và ứng dụng công nghệ hiện đại vào vận chuyển đường thủy. Flanders cũng sẽ hợp tác với Việt Nam qua các dự án song phương với các tổ chức như Ngân hàng thế giới hay Ngân hàng phát triển châu Á ADB và qua các chương trình tập huấn ở Trung tâm huấn luyện APEC tại Cảng Antwerp (vùng Flanders).

Ngoài những hợp tác chính thức giữa 2 Bộ, còn có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp của vùng Flanders. Nổi bật là công ty Dredging International đã giúp các tàu lớn có thể dễ dàng cập bến tại Tp. Hồ Chí Minh thông qua sông Soài Rạp, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế ở phía Nam. Còn tại phía Bắc là Tổ hợp khu công nghiệp Deep C ở Hải Phòng, mà nổi tiếng nhất trong đó là khu công nghiệp Đình Vũ. Deep C thực chất là kết quả đầu tư của công ty Rent-A-Port, đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển các hoạt động hậu cần và công nghiệp của Hải Phòng và là một nhân tố quan trọng trong kế hoạch tăng cường sự liên kết của ĐTNĐ trong khu vực sông Hồng.

Theo tapchigiaothong.vn

Quay lại