Trang chủ

khoa học công nghệ - môi trường

Quy trình Tham vấn trước đối với đề xuất công trình thủy điện Đôn Sa - Hông của Lào trên dòng chính sông Mê Công
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Quy trình Tham vấn trước đối với đề xuất công trình thủy điện Đôn Sa – hông của Lào trên dòng chính sông Mê Công đang được tích cực thực hiện.

"Cần gia hạn quá trình tham vấn để có thêm thời gian tiến hành nghiên cứu về các tác động của công trình thủy điện Đôn Sa-hông của Lào nhằm chuẩn bị các lý lẽ thuyết phục, có cơ sở khoa học cho quyết định xây dựng công trình" là ý kiến được thống nhất cao của các đại biểu tham dự một loạt các hội thảo tham vấn quốc gia do Ủy ban sông Mê Công Việt Nam tổ chức trong ba ngày từ 22 đến 24 tháng 12 năm 2014 tại Hà Nội và Cần Thơ.

Các hội thảo tham vấn này nằm trong một nỗ lực vùng của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế tiến hành quy trình Tham vấn trước theo quy định của Hiệp định Mê Công 1995 và Thủ tục Thông báo Tham vấn trước và Thoả thuận cho công trình thuỷ điện Đôn Sa-hông do Lào đề xuất. Cùng với các hoạt động tham vấn của Việt Nam, các quốc gia thành viên Uỷ hội khác cũng tiến hành các hội thảo tham vấn quốc gia dể lấy ý kiến về công trình thuỷ điện dòng chính này.

Tham dự các Hội thảo có các đại diện của các Bộ ngành như Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Giao thông, Ngoại giao, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, các sở, ban ngành của 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long, một số tổ chức phi chính phủ trong nước, các hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh niên đại diện cho cộng đồng người dân địa phương Đồng bằng sông Cửu Long.

 

 Hình ảnh Hội thảo tại Cần Thơ, ngày 23 tháng 12 năm 2014

Trong lời phát biểu khai mạc, ông Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam nhấn mạnh "các hội thảo tham vấn với các bên liên quan là một phần trong nỗ lực của Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam trong thực hiện quy trình Tham vấn trước đối với đề xuất công trình thủy điện Đôn Sa–hông bên cạnh hoạt động tham gia các diễn đàn tham vấn vùng".

Thủy điện Đôn Sa – hông là bậc thang cuối cùng trong 9 bậc thang công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công được Lào đưa vào quy hoạch, nằm ở huyện Khổng, tỉnh Cham-pa-sắc, phía Nam Lào. Đây là công trình thứ hai được Lào đề xuất tiếp sau công trình Xay-nha-bu-ly mà Lào đã khởi công xây dựng. Theo các đánh giá của các chuyên gia, các nhà khoa học quốc tế và trong nước, công trình có thể gây ra về các tác động đáng kể đối với cá di cư khi mà đập Đôn Sa – hông chắn ngang dòng Hou Sa – hông là một tuyến di cư quanh năm và chủ yếu của hơn 200 loài cá di cư, trong đó có những loài có giá trị kinh tế cao như cá linh, bông lau, mõm trâu, trà sóc là những loài sống ở khu vực Biển hồ Tonle Sap, khu vực châu thổ sông Mê Công và Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, công trình còn có thể gây ra tác động tới đa dạng sinh học, hệ sinh thái không những ở khu vực xây dựng công trình, mà còn xuyên biên giới, đặc biệt là ảnh hưởng tới một số khu bảo tồn đa dạng sinh học, ảnh hưởng vận chuyển bùn cát về phía hạ du, gây ra rủi ro về xói lở bờ, suy giảm lượng phù sa màu mỡ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.  

 

 Vị trí dự kiến xây dựng công trình thủy điện Đôn Sa – hông trên dòng Hou Sa - hông                            (ảnh chụp ngày 11 tháng 12 năm 2014)

Trong quá trình diễn ra hội thảo, các đại biểu đã bày tỏ quan ngại về các tác động của công trình thủy điện Đôn Sa hông nói riêng và toàn bộ bậc thang thủy điện trên dòng chính sông Mê Công nói chung, đặc biệt đối với vấn đề cá di cư, vận chuyển phù sa, dinh dưỡng là những yếu tố quan trọng cho phát triển ngành đánh bắt thủy sản, sản xuất nông nghiệp của của Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm đảm bảo sinh kế của hàng triệu người dân, và góp phần đảm bảo an ninh lương thực của quốc gia và thế giới. Đề xuất công trình Đôn Sa – hông của Lào với các báo cáo đánh giá tác động hiện nay vẫn còn thiếu nhiều thông tin, thiếu bằng chứng khoa học về hiệu quả của các biện pháp giảm thiểu tác động, do vậy được đánh giá là chưa thể giúp đưa ra quyết định phù hợp.

Đại diện cộng đồng người dân Đồng bằng sông Cửu Long cũng bày tỏ sự lo lắng đối với tương lai của Đồng bằng trước tác động của sự phát triển trong lưu vực có xu thế ngày càng mạnh mẽ, kết hợp với tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Từ bài học của công trình thuỷ điện dòng chính Xay-nha-bu-ly trước đây, người dân mong muốn Chính phủ tiếp tục thuyết phục Lào chưa xây dựng công trình cho đến khi có thêm thông tin về tác động và giải pháp giảm thiểu tác động đầy đủ và tin cậy.

Trong lời phát biểu tại hội thảo tổ chức ở Cần Thơ ngày 23 tháng 12 năm 2014, đại diện Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã đánh giá rất cao nỗ lực thực hiện tham vấn trước của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, với một số tổ chức phi chính phủ tích cực trong nước để có thể truyền tải thông tin về công trình tới nhiều tầng lớp trong xã hội và đặc biệt với người dân Đồng bằng sông Cửu Long, và thu nhận các ý kiến phản hồi của cộng đồng, từ đó hỗ trợ cho quá trình xem xét ra quyết định của Chính phủ Việt Nam đối với đề xuất công trình của Chính phủ Lào.

Với tinh thần hợp tác Mê Công, ông Lê Đức Trung khẳng định: "Chúng ta tôn trọng nhu cầu phát triển kinh tế của Lào thông qua phát triển thủy điện, nhưng chúng ta cũng hướng tới mục tiêu sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công nói chung và tại Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng để tiếp tục thuyết phục Lào có những bước đi thận trọng và khôn ngoan trong phát triển thủy điện dòng chính, để tránh các tác động bất lợi cho các nước phía hạ nguồn, đảm bảo hài hòa lợi ích quốc gia và lợi ích toàn lưu vực".Đại diện Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam cũng thông báo tới các đại biểu dự cácHội thảo tiến độ thực hiện khẩn trương  của "Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện dòng chính sông Mê Công" do Chính phủ Việt Nam giao cho Bộ Tài nguyên Môi trường và Ủy ban sông Mê Công Việt Nam chủ trì nhằm có các bằng chứng khoa học vững chắc và thuyết phục nhất giúp các quốc gia hạ lưu vực sông Mê Công ra quyết định về việc phát triển thủy điện dòng chính.

Theo kế hoạch, kết quả quá trình tham vấn này sẽ được Ủy ban sông Mê Công Việt Nam tổng hợp báo cáo Chính phủ nhằm chuẩn bị các ý kiến chính thức của Việt Nam đối với đề xuất công trình thủy điện Đôn Sa – hông.

Theo quy định tại Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, quy trình tham vấn trước cho công trình Thủy điện Don Sa-hông diễn ra trong thời gian ít nhất 6 tháng, bắt đầu từ ngày 25 tháng 7 năm 2014 và dự kiến sẽ xem xét kết quả vào ngày 25 tháng 1 năm 2015.

Theo vnmc.gov.vn

Quay lại