Triển khai thực hiện Đề án xã hội hóa lĩnh vực đường thủy nội địa
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Chiều nay (22/1), Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp với Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam và các Cục, Vụ, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đề án xã hội hóa (XHH) lĩnh vực đường thủy nội địa.

 

Tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Hoàng Minh Toàn đã trình bày báo cáo về việc triển khai Đề án Huy động vốn XHH để đầu tư kết cấu hạ tầng lĩnh vực đường thủy nội địa.

Theo đó, Đề án Huy động vốn XHH để đầu tư kết cấu hạ tầng lĩnh vực đường thủy nội địa được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 4835/QĐ-BGTVT ngày 22/12/2014. Trên cơ sở Đề án được duyệt, Cục ĐTNĐ đang triển khai với 02 nội dung chính. Về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), trong năm 2015, có 04 văn bản cần hoàn thành, đang được Cục tổ chức soạn thảo gồm: Thông tư của Bộ Tài chính về phí để thực hiện XHH kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; Sửa đổi Thông tư số 37/2013/TT-BGTVT ngày 24/10/2013 quy định về nạo vét luồng đường thủy nội địa, vùng nước cảng bến thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm; Quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT hướng dẫn trình tự thủ tục, trách nhiệm của các cơ quan liên quan và hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi, hợp đồng dự án mẫu cho các dự án PPP lĩnh vực đường thủy nội địa; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách ưu đãi cho lĩnh vực đường thủy nội địa. Về công tác triển khai các dự án theo hình thức PPP, danh mục các dự án XHH trong Đề án đến năm 2020 có 45 dự án trong đó: 09 dự án cải tạo, nâng cấp tuyến vận tải; 04 dự án cải tạo, nâng cấp luồng cửa sông pha biển và 32 dự án cải tạo, nâng cấp, xây mới cảng, bến thủy nội địa. Dự kiến nguồn vốn huy động XHH là 12.663 tỷ đồng.

Cuộc họp triển khai thực hiện Đề án xã hội hóa lĩnh vực đường thủy nội địa

Trong giai đoạn trước mắt 2015-2016, thực hiện mục tiêu của Đề án sẽ triển khai 02 dự án theo hình thức XHH đầu tư gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến luồng sông Sài Gòn từ cầu đường sắt Bình Lợi đến ngã ba Bến Súc; Dự án Chợ Gạo (giai đoạn 2). Trong giai đoạn 2016-2020 sẽ thực hiện các dự án đã và đang lập theo hướng sử dụng vốn ngân sách nhà nước gồm: Tuyến Việt Trì - Lào Cai; Dự án Ninh Bình - Thanh Hóa; Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy Vận Gia - Ka Long; Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Hàm Luông từ ngã ba sông Tiền đến cửa Hàm Luông; Dự án Bến khách ngang sông và Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống.

Cục ĐTNĐ đề nghị Bộ tiếp tục giao Cục làm chủ đầu tư giai đoạn chuẩn bị đầu tư các dự án trong danh mục Đề án để Cục thực hiện lập Hồ sơ đề xuất trình Bộ phê duyệt, sau đó đăng tải danh mục đúng quy định mới về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Đồng thời cũng đề nghị Bộ cho phép chuyển đổi một số dự án đã và đang lập sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước sang dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư phù hợp với quy định.

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Tổng công ty Vận tải thủy cũng trình bày tóm tắt một số nội dung trong Đề án Xã hội hóa của Tổng công ty. Theo đó, Đề án đề cập đến việc giải quyết tình trạng khai thác cát trái phép, tạo ra hành lang pháp lý để xử lý  đồng thời quy hoạch lại luồng tuyến đường thủy. Đề án cũng đưa ra các phương án kết nối đường sông với đường sắt, thông luồng, nâng cao tĩnh không cầu… Từ đó, Tổng công ty cũng kiến nghị Bộ cho phép tham gia vào Dự án cải tạo, nâng cấp cầu sông Đuống, nạo vét luồng từ Hà Nội lên Việt Trì, Tuyên Quang, Yên Bái nhằm đảm bảo duy tu cũng như an toàn hàng hải của tuyến…

Sau khi nghe các đơn vị phát biểu ý kiến, báo cáo các công việc liên quan đến việc triển khai thực hiện Đề án, kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định đầu tư cho đường thủy nội địa từ trước đến nay luôn thấp nhất trong tất cả các lĩnh vực. Đường thủy nội địa chủ yếu nhờ vào khai thác tự nhiên, nạo vét khai thác cát, khơi thông dòng chảy, đảm bảo luồng tuyến đi lại. Ở nước ta, đường thủy nội địa chủ yếu tập trung tại 2 khu vực là Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long khai thác tương đối tốt, sau khi xử lý xong kênh Chợ Gạo và luồng cho tàu lớn vào sông Hậu, Bộ trưởng tin rằng vận tải thủy sẽ khai thác tốt hơn, hiệu quả hơn.

Trên cơ sở báo cáo của Cục ĐTNĐ, Bộ trưởng giao Vụ Pháp chế chủ trì cùng Cục ĐTNĐ rà soát lại các văn bản QPPL đặc biệt là tổ chức triển khai ngay Luật Đường thủy nội địa sửa đổi, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn trong đó có thông tư về thu phí luồng, cảng bến để thực hiện xã hội hóa ĐTNĐ. Bộ trưởng cũng yêu cầu thực hiện cổ phần hóa tại các Đoạn Quản lý đường sông, vận tải thủy phải thực hiện xã hội hóa 100% về phương tiện, người lái.

Bộ trưởng yêu cầu vận tải thủy thực hiện xã hội hóa 100% về phương tiện, người lái

Đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo Ban PPP khẩn trương cùng Cục ĐTNĐ và các cơ quan liên quan thực hiện ngay việc chọn chủ đầu tư để tiến hành đầu tư giai đoạn 2 kênh Chợ Gạo. Đối với khu vực Đồng bằng sông Hồng, Bộ trưởng chỉ đạo giao Tổng công ty Vận tải thủy thực hiện thí điểm chuyển nhượng toàn bộ quyền khai thác từ sông Ninh Cơ, sông Đáy lên sông Hồng, lên Việt Trì bao gồm đường thủy, đường sắt tuyến Hà Nội - Hải Phòng và tuyến Hà Nội - Lào Cai, cầu sông Đuống… Bộ trưởng giao Tổng công ty Vận tải thủy là chủ đầu tư, lập Đề án, Ban PPP chủ trì thẩm định, trình phê duyệt trong Quý I/2015, triển khai thực hiện để đường thủy - đường sắt sẽ tham gia góp phần giảm tải cho đường bộ. Đề án cần tính toán hết các phương án tài chính, về thu phí cảng, thu phí bến, luồng tuyến, cơ chế, chính sách…

Về việc XHH các Dự án ĐTNĐ đặc biệt là các dự án nạo vét, Bộ trưởng yêu cầu rà soát lại các dự án, dự án nào hết hạn cần thu hồi lại, dự án nào còn thời hạn thì đôn đốc, đẩy nhanh đồng thời công bố luồng tuyến theo Luật Đường thủy nội địa, cắm mốc chỉ giới, tiếp tục công bố danh mục các dự án kêu gọi đầu tư. Đề nghị công bố lại thủ tục cải cách hành chính đặc biệt là kết nối với Campuchia, giao Vụ Hợp tác quốc tế và Cục ĐTNĐ phối hợp làm việc với Bộ Giao thông công chính Campuchia, báo cáo Bộ nếu có khó khăn vướng mắc. Đối với dự án cầu Đuống, Bộ trưởng yêu cầu giao cho tư vấn thiết kế đường sắt triển khai thực hiện. Đồng thời, yêu cầu Cục ĐTNĐ rà soát lại toàn bộ cảng, bến thủy nội địa, tiến hành cổ phần hóa hoàn toàn./.

Theo mt.gov.vn

Quay lại

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang online: 120
Tổng số truy cập: 16355269