Trang chủ

Vận tải đường thủy

TP.HCM: Năm 2020, nhiều dự án giao thông đường thủy được triển khai
Từ khóa Xem với cỡ chữ
Nhằm giải bài toán ùn tắc giao thông đường bộ như hiện nay, TP.HCM sẽ đưa nhiều tuyến giao thông đường thủy vào khai thác.
 

TP.HCM hiện có hai tuyến giao thông đường thủy nhận được sự thu hút của người dân là tuyến cao tốc TP.HCM - Vũng Tàu và buýt sông (Bạch Đằng - Linh Đông).

Đối với tuyến giao thông TP.HCM - Vũng Tàu, đã khai trương hai tàu cao tốc vào ngày 10/2, tàu cao tốc xuất phát từ bến Nhà Rồng (quận 4) theo tuyến sông Sài Gòn đến Vũng Tàu. Việc đưa hai tàu này vào hoạt động được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, du khách bằng đường thủy.

Mỗi tàu có sức chở 40 người, thời gian di chuyển từ 1 giờ 20 phút đến 1 giờ 40 phút với giá vé 200.000 đồng.

Đối với tuyến buýt sông Bạch Đằng - Linh Đông được vận hành khoảng 2 năm nay, thu hút được người dân đi lại, song sự liên kết giữa các bến và điểm đón chưa thuận tiện.

Bên cạnh đó, đa phần hành khách đi lại chủ yếu với mục đích du lịch, trải nghiệm. Vì vậy, lượng khách thường đông đúc vào cuối tuần và ngày lễ, còn những ngày trong tuần lại vắng.

Theo Sở GTVT TP.HCM, năm 2020, TP sẽ triển khai thêm các dự án như: Tuyến phà biển nối Cần Giờ - Vũng Tàu sắp được khởi động. Đối với tuyến này người dân từ Long An, Tiền Giang khi đến TP Vũng Tàu có thể đi qua phà Cần Giuộc - Cần Giờ (khoảng 30 phút). Rồi đi theo đường Lý Nhơn, đường Rừng Sác với cự ly 40 km, thời gian hành trình khoảng 1 giờ đến bến Tắc Suất. Tiếp tục đi phà biển khoảng 30 phút để đến TP Vũng Tàu (hành trình cự ly khoảng 15 km/chiều). Tổng thời gian hành trình từ huyện Cần Giuộc đến TP Vũng Tàu chỉ khoảng 2 giờ 30 phút kể cả thời gian chờ phà.

Tương tự, tuyến buýt sông số 2 có chiều dài 10,3 km, xuất phát từ Bạch Đằng đến Lò Gốm cũng sẽ được triển khai trong năm nay.

 

Tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu sẽ được khai thác vào tháng 4 năm nay.

Theo Sở GTVT TP.HCM, hai tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy trên địa bàn TP được đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Tổng số vốn đầu tư của hai tuyến vận tải này là 128,47 tỉ đồng.

Sau khi hai dự án này đi vào hoạt động, sẽ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân TP được thuận lợi hơn, góp phần phát triển du lịch vận tải hành khách đường thủy nội địa trên địa bàn TP, hỗ trợ cho hệ thống giao thông đường bộ vốn đã quá tải và phát triển du lịch đường thủy.

Đến cuối năm 2020, sau khi dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn hai và công trình cống kiểm soát triều Bến Nghé thuộc dự án chống ngập do triều cường hoàn thành, TP cũng sẽ đưa tuyến buýt sông số 2 đi vào hoạt động phục vụ người dân. Đồng thời, Sở GTVT cũng sẽ thực hiện thêm nhiều biện pháp để đẩy mạnh việc phát triển tuyến buýt sông số 1, thu hút hành khách chọn loại phương tiện công cộng này để đi lại.

Theo Baomoi.com

Quay lại

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang online: 175
Tổng số truy cập: 15857891