Trang chủ

An Toàn Giao Thông

Cà Mau: Khó khăn trong quản lý vỏ lãi
Từ khóa Xem với cỡ chữ
QĐND - Với đặc thù kênh rạch, sông ngòi chằng chịt thì chiếc vỏ lãi (xuồng máy dưới 15CV) trở thành một phương tiện giao thông đường thủy quen thuộc với người dân tỉnh Cà Mau. Nhưng công tác quản lý phương tiện này còn gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy các vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng đều do phương tiện này gây ra…

Chỉ tay về phía đoạn sông cách nhà không xa, chị Nguyễn Thị Phượng người dân xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) đau buồn kể lại: "Tối 20-2-2015, anh họ tui là Nguyễn Thanh Phong điều khiển vỏ lãi chở hai người bạn ở Sóc Trăng, bị chiếc đi ngược chiều đụng phải làm anh Phong rơi xuống sông mất tích, hai người bạn đi cùng bị thương, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Năm Căn và được cứu sống".

Hầu hết các vỏ lãi đều không trang bị phao cứu sinh.

Cũng gần đoạn sông này, cách đây chừng một năm, ông Trương Văn Hậu ngụ xã Viên An, huyện Ngọc Hiển khi đang điều khiển vỏ lãi đã bị một vỏ lãi đi ngược chiều đụng, hất xuống sông mất tích.

Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 12 tuyến sông cấp 2 và 3, chiều dài 251km do Trung ương quản lý; 13 tuyến sông chiều dài 358km do tỉnh quản lý và 93 tuyến sông, rạch chiều dài hơn 1.000km do huyện quản lý. Nên ở nhiều nơi trong tỉnh Cà Mau, do điều kiện giao thông đường bộ chậm phát triển và giao thông đường thủy trở thành hệ thống giao thông chính thì chiếc vỏ lãi đã trở thành một phương tiện giao thông đường thủy chính của nhiều gia đình với gần 100 nghìn phương tiện có công suất dưới 15CV tham gia hoạt động trên các tuyến giao thông đường thủy của tỉnh. Trung tá Lê Minh Bàn, Phó trưởng phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy tỉnh Cà Mau cho biết: "Từ đầu năm 2014 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông đường thủy làm chết 7 người và bị thương 3 người với tổng thiệt hại về tài sản khoảng gần 600 triệu đồng. Hầu hết các vụ tai nạn này đều do phương tiện xuồng máy dưới 15CV gây ra. Qua những đợt cao điểm ra quân lập lại trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường thủy trên địa bàn, khi kiểm tra phương tiện thì hầu hết đều vi phạm".

Được biết, từ năm 2011, Ban ATGT tỉnh Cà Mau đã phát động phong trào "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước", nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật và giảm thiểu tai nạn giao thông đường thủy. Thế nhưng, đến bất kỳ địa bàn nào của tỉnh Cà Mau, chúng tôi vẫn dễ dàng bắt gặp nhiều trẻ em vô tư lái vỏ lãi thiếu phao cứu sinh, luồn lách trên sông nước. Số lượng phương tiện tham gia lưu thông thì rất lớn mà cách thức lái vỏ lãi đều do "cha truyền con nối" chỉ biết nghề, không biết luật nên việc vỏ lãi đụng nhau đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện". Nhẹ thì va quệt, không gây thương tích, nặng thì bị thương, bị chết với nguyên nhân chính là do vi phạm quy tắc tránh vượt, không có đèn đi đêm… Khi nói chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Khôi, người dân xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển cho biết, gia đình anh có chiếc vỏ lãi 9CV để đi lại thăm ruộng, thăm vuông. Hầu hết ai trong gia đình cũng biết sử dụng, thế nhưng không bao giờ đi lại mà lại đem theo phao vì chật chội, không có chỗ chất đồ. Khi đưa vấn đề trên ra trao đổi, Trung tá Lê Minh Bàn, khẳng định: "Ngành chức năng và chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý các phương tiện này. Vì đa số các phương tiện đó đều thiếu đăng ký, đăng kiểm phương tiện; người lái chưa qua đào tạo, học luật, không có bằng và chứng chỉ lái chuyên môn… Trong khi đó, với số lượng ít, kinh phí còn hạn chế nên công tác tuần tra, kiểm soát không thể thực hiện liên tục cũng như không thể kiểm soát trên diện rộng nên đây là một vấn đề hết sức nan giải đặt ra đối với tình hình trật tự ATGT đường thủy ở Cà Mau".

Anh Lê Minh Bàn cho biết thêm: Để từng bước quản lý chặt chẽ các xuồng máy dưới 15CV và lập lại trật tự ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn Cà Mau, Phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy tỉnh Cà Mau đã kiến nghị: Phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành; tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự ATGT đường thủy; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nhằm làm chuyển biến ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa của nhân dân và người tham gia giao thông. Thực hiện nghiêm công tác đăng ký, đăng kiểm và tập trung đào tạo chuyên môn cho người điều khiển phương tiện…

Thế nhưng, với đặc điểm cư dân sống phân tán nên việc giáo dục, tuyên truyền và đào tạo chuyên môn còn gặp nhiều khó khăn. Thiết nghĩ, chính quyền và cơ quan chức năng các cấp tỉnh Cà Mau cần có các giải pháp phù hợp thực tế ở địa phương để công tác tuyên truyền giáo dục Luật Giao thông đường thủy đến từng hộ gia đình, những người tham gia giao thông nâng cao trách nhiệm với tính mạng, tài sản của bản thân cũng như sự bình yên của toàn xã hội.

Theo Báo antoangiaothong

Quay lại

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang online: 249
Tổng số truy cập: 15864520