Trang chủ

An Toàn Giao Thông

Chở quá tải trên đường thủy bớt “nóng”
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Các phương tiện đều có vạch dấu mớn nước an toàn "thò" lên mặt nước - dấu hiệu cho thấy không vi phạm về chở hàng hóa quá tải trọng cho phép.

 
Phương tiện chờ bốc hàng tại cảng Phả Lại. Ảnh Huy Lộc


Những ngày đầu tháng 11, có mặt tại Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II tại Cống Câu, Phả Lại (sông Thái Bình), Hoàng Thạch (sông Mạo Khê),… PV Báo Giao thông chứng kiến hàng chục tàu chở hàng, sà lan trọng tải từ 400 tấn trở lên dừng, đỗ chờ bốc dỡ hàng. Các phương tiện đều có vạch dấu mớn nước an toàn "thò" lên mặt nước - dấu hiệu cho thấy không vi phạm về chở hàng hóa quá tải trọng cho phép.

Ông Trần Quang Khoa, chủ tàu, cũng là thuyền trưởng tàu BN-1044 đang trả hàng xi măng tại cảng Cống Câu cho biết, các cảng, bến lấy hàng, trả hàng đều có sự quản lý chặt chẽ của cảng vụ về vấn đề tải trọng. "Có muốn chở quá tải cũng khó, vì trước khi đi và đến đều có cảng vụ kiểm tra. Bây giờ các tàu lấy hàng từ cảng, bến có phép ít khi dám quá tải", ông Khoa nói.

Ông Phạm Sỹ Công, Trưởng đại diện Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II tại Cống Câu cho biết, ngày nào cũng nhận được thông báo của cảng vụ cấp trên về các phương tiện rời cảng, bến không có giấy phép để theo dõi, khi phương tiện đó cập cảng, bến sẽ kiểm tra, xử phạt. Để ngăn chặn tình trạng phương tiện đi từ bến không phép, đơn vị cũng đã làm việc với chính quyền, công an một số xã ven sông, đề nghị không cấp xác nhận cho phương tiện rời bến.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục ĐTNĐ phía Bắc đình chỉ hoạt động 410 lượt cảng, bến thủy nội địa vi phạm Luật Giao thông ĐTNĐ. 

Tại khu vực sông Thái Bình do Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II tại Phả Lại phụ trách, ông Phạm Tiến Hòa, Trưởng đại diện đơn vị cho biết, trong 2 tháng gần đây không có phương tiện đến trả hàng trong tình trạng quá tải trọng.

Chia sẻ vấn đề này, ông Đặng Xuân Thủy, Phó giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I cho biết, nhằm siết chặt quản lý về tải trọng, cảng vụ yêu cầu các đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ báo cáo thường xuyên và giám sát lẫn nhau. Đồng thời, tăng cường kiểm soát, chấn chỉnh hoạt động của phương tiện và các bến thủy phức tạp nhằm ngăn ngừa vi phạm từ gốc. Mới đây, đã có ba bến bị xử lý về việc chở hàng quá tải, tổng số vi phạm bị xử phạt từ đầu năm đến nay gần 500 trường hợp, tăng 117% so với năm trước.

Dù nạn chở quá tải trên đường thủy đã giảm tại các cảng bến có phép, nhưng thực tế, vi phạm quá tải vẫn xảy ra đối với phương tiện hoạt động tại bến không phép, trái phép. Điển hình nhất là các tàu chở cát, sỏi, gỗ dăm lưu thông trên các tuyến sông Hồng, Lô, Cấm… nằm rải rác, nhỏ lẻ. Tại các tỉnh phía Bắc, theo Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I, II, hầu như địa phương nào cũng có vài chục bến thủy không phép, trái phép hoặc đã hết hạn nhưng vẫn hoạt động, mà hầu hết là bến bốc dỡ vật liệu xây dựng (cát, đá, sỏi, gỗ dăm...). Đây cũng là đầu ra của phương tiện chở quá tải hoặc không quá hạn đăng kiểm, trong khi lực lượng cảng vụ không có thẩm quyền kiểm tra đối với chủ bến, phương tiện hoạt động tại bến không phép.

Theo ông Lê Quốc Phong, Trưởng đại diện Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I tại Hoàng Thạch, khó khăn trong quản lý đối với các bến loại này là khi cảng vụ cùng lực lượng liên ngành đến làm việc thì chủ bến lại "trốn", khiến chưa thể kiểm soát được bến, phương tiện. "Nếu chính quyền địa phương đã cấp hoặc cho thuê đất mà không vào cuộc sẽ rất khó để giải quyết dứt điểm bến không phép", ông Phong nói. Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng, nên mở rộng thẩm quyền kiểm tra, xử lý đối với bến hoạt động không phép cho lực lượng cảng vụ, nhằm kiểm soát chặt chẽ đối với phương tiện ra, vào tại các này.

Theo Huy Lộc (Báo Giao thông)

Quay lại

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang online: 101
Tổng số truy cập: 16383218