Trang chủ

An Toàn Giao Thông

Thanh Hóa duy trì 25 mô hình văn hóa giao thông với bình yên sông nước
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Thanh Hóa có 30 tuyến sông, kênh, tổng chiều dài 1.889 km. Đây là tuyến giao thông tiện lợi và công cuộc mưu sinh của một bộ phận dân cư gắn liền với sông, dẫn đến hình thành những làng nổi trên sông. Xây dựng văn hóa giao thông, chuyển hóa nhận thức thành hành động chấp hành các quy định bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa đã đem lại nhịp sống bình yên trên một vùng sông nước.



Cán bộ các đơn vị nghiệp vụ thường xuyên vận động tuyên truyền nhân dân ở các làng chài, bến sông tham gia xây dựng tuyến sông văn hóa, an toàn.

Làng Giang Thanh, xã Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa có hoạt động kinh tế chủ đạo là khai thác, vận chuyển vật liệu xây dựng, đánh bắt thủy sản. Cùng với việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở kiện toàn tổ chức, ban hành các văn bản chỉ đạo xây dựng mô hình làng văn hóa, an toàn, gắn với thực hiện Chỉ thị số 10, Đề án 375 về xây dựng khu dân cư an toàn về an ninh trật tự, Cảnh sát đường thủy biên tập tài liệu tuyên truyền cô đọng, súc tích, cấp phát tờ rơi, ấn phẩm trực quan và lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở.

Đội trưởng Tuyên truyền, Phòng Cảnh sát đường thủy Trần Thị Dung cho hay: Đơn vị phân công cán bộ, chiến sĩ bám địa bàn nắm rõ tình hình, để từ đó tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật, nội dung, tiêu chí xây dựng làng văn hóa, an toàn đến nhân dân. Nhận thức của người điều khiển phương tiện, lao động trên sông dần chuyển biến tích cực. Một bộ phận lao động theo học các khóa đào tạo để được cấp chứng chỉ hành nghề, chủ sở hữu đăng ký, đăng kiểm phương tiện, hợp đồng với các chủ mỏ khai thác cát đúng vị trí được cấp phép, không sử dụng thiết bị, công cụ có tính hủy diệt trong đánh bắt thủy sản.

Bên cạnh đó, các tổ an ninh xã hội cũng được kiện toàn, duy trì hoạt động nền nếp, tập hợp, huy động quần chúng giữ gìn an ninh trật tự. Xã Thiệu Khánh lấp hồ Chành nhằm bảo vệ chân đê và ưu tiên cấp đất ở cho hộ sinh sống trên sông. Theo đó, 75% số gia đình ở làng chài Giang Thanh đã an cư trên bờ. Nhiều gia đình mua sắm tàu, thuyền trị giá cả tỷ đồng và phần lớn người điều khiển phương tiện có chứng chỉ hành nghề. Anh Ngô Văn Tôn, chủ sở hữu con tàu vỏ sắt chuyên khai thác, vận chuyển cát cho Công ty Hưng Đô bộc bạch: Con tàu cùng thiết bị trị giá hơn một tỷ đồng, công suất hơn 100 CV gia đình anh mới mua, đưa vào hoạt động mấy tháng nay, thu nhập ổn định cho nên anh gửi hai người con lên bờ, theo học tiểu học. Phương tiện chỉ hoạt động trên cung đường ngắn theo hợp đồng với doanh nghiệp vì chưa đăng kiểm được do không có hồ sơ thiết kế.

Hiện, tỉnh Thanh Hóa đã đưa vào khai thác 697,5 km sông, kênh, 20 km đường biển. Toàn tỉnh có hơn 1.500 thuyền, 857 tàu vận tải, 86 đò ngang, một số phương tiện thủy chở khách tham quan trên hồ. Xây dựng phong trào "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước", mỗi cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành cụ thể hóa thành những hoạt động thiết thực. Ban An toàn giao thông tỉnh cấp 3.168 cục nổi, 1.094 áo phao cho các đò ngang, bến khách du lịch, 1.680 cặp phao cho học sinh; phối hợp trao tặng bốn đò chở khách, tổng trị giá 470 triệu đồng cho các huyện miền núi: Quan Hóa, Ngọc Lặc.

Cảnh sát đường thủy cùng công an các huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ trì phối hợp các địa phương xây dựng làng Giang Thanh, bến đò văn hóa, an toàn, nhân rộng các mô hình văn hóa, văn minh, an toàn dọc tuyến sông Mã, sông Chu. Ngoài bố trí lực lượng ứng trực xử lý các sự cố nảy sinh, đường dây nóng giữa công an với chính quyền, chủ phương tiện, lực lượng chức năng được thiết lập. Quản lý 672,5 km đường thủy nội địa thuộc 17 tuyến sông, kênh, Công ty cổ phần quản lý đường thủy nội địa và xây dựng giao thông Thanh Hóa xây dựng đoạn, tuyến sông Mã văn hóa, an toàn từ km 17 đến km 34. Nội dung, tiêu chí đoạn tuyến sông văn hóa, an toàn cụ thể hóa các quy định hiện hành, gắn với nội dung xây dựng cơ quan văn hóa...

Thanh Hóa hiện có 25 mô hình văn hóa giao thông với bình yên sông nước. Qua khảo sát, ý thức chấp hành pháp luật của chủ sở hữu, người điều khiển phương tiện, lao động trên sông chuyển biến rõ rệt, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. 64% số phương tiện giao thông thủy đã đăng ký, đăng kiểm; 100% đò ngang đủ điều kiện hoạt động. Các chủ đò cam kết không xuất bến khi thời tiết, mực nước sông diễn biến phức tạp, người tham gia giao thông không tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn. Cuộc vận động "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước" nhận được sự đồng thuận, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, mỗi tập thể, cá nhân, cùng tổ chức thực hiện, phát huy hiệu quả cuộc vận động. Mặc dù vậy, vẫn còn 313 phương tiện thủy chưa đăng ký, đăng kiểm, chiếm tỷ lệ 36%, nguyên nhân chủ yếu là do các tàu, thuyền không có hồ sơ thiết kế.

Thời gian tới, Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa phối hợp Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ sớm cấp đăng ký, đăng kiểm cho các phương tiện này. Đại tá Phạm Minh Hiền, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy khẳng định: Thanh Hóa tiếp tục duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mô hình văn hóa giao thông với bình yên sông nước. Cơ quan thường trực tham mưu chỉ đạo, huy động hệ thống chính trị cùng vào cuộc trong tổ chức thực hiện cuộc vận động, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật an toàn giao thông đến đông đảo quần chúng nhân dân.

Theo Mai Luận (Nhân dân)

Quay lại

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang online: 271
Tổng số truy cập: 15863499