Trang chủ

hợp tác quốc tế

Hội thảo tăng cường kết nối vận tải thủy Việt Nam - Campuchia
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Cục ĐTNĐ Việt Nam

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ngày 07/5/2015, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Hoàng Hồng Giang đã tham dự Hội thảo tăng cường kết nối vận tải thủy Việt Nam - Campuchia tại Phnom Pênh, do ngài Tram Iv Tek, Bộ trưởng Giao thông công chính chủ trì. Tham dự hội thảo có đoàn Nhật Bản do ngài Yuji Kumamaru, Đại sứ làm trưởng đoàn; đại diện Ủy hội sông Mê Công quốc tế, Ngân hàng thế giới tại Campuchia; cùng với hơn 40 doanh nghiệp vận tải thủy hoạt động trên tuyến sông Mê Công qua Campuchia.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tại Hội thảo, các bên thống nhất nhận định rằng tuyến vận tải thủy Việt Nam - Campuchia qua cửa khẩu Thường Phước/Vĩnh Xương vừa là tuyến đường thủy nội địa vừa là tuyến quá cảnh nhằm trung chuyển hàng hóa từ các cảng biển khu vực phía Nam (cảng Sài Gòn, Thị Vải - Cái Mép) của Việt Nam qua Campuchia. Việc ký kết Hiệp định Vận tải thủy giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia đã mở ra triển vọng phát triển vận tải thủy giữa hai nước và vận tải quá cảnh. Thời gian qua, hai bên đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền để thông báo và theo dõi hoạt động qua lại biên giới của các phương tiện, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp cũng phản ánh một số tồn tại, vướng mắctrong quá trình thúc đẩy Hiệp định, cụ thể như sau:

1. Về thủ tục quá cảnh và vận tải qua biên giới:

Nhiều doanh nghiệp phản ánh việc làm thủ tục được thực hiện 4 lần tại cảng đi, cửa khẩu nước xuất cảnh, nước nhập cảnh, và cảng đến; và do chưa thực hiện thủ tục hải quan một cửa, nên doanh nghiệp phải trình 12 bộ hồ sơ đến các cơ quan ở các vị trí làm thủ tục khác nhau. Như vậy là chưa tuân thủ Hiệp định, gây lãng phí nhiều thời gian và kinh phí cho doanh nghiệp.

Các bên đã trao đổi và thống nhất, các tàu tham gia vận tải quá cảnh hoặc vận tải qua biên giới phải thực hiện đầy đủ các thủ tục liên quan đến xuất, nhập cảnh, hải quan, y tế, kiểm dịch động thực vật theo quy định tại Khoản 1 và 2, Điều 17 của Hiệp định. Theo đó, tầu biển và phương tiện thuỷ nội địa phải làm thủ tục một lần tại cảng đi và cảng đến. Trường hợp tại những cảng không bố trí các cơ quan chức năng, các thủ tục sẽ được tiến hành tại cửa khẩu.

2. Về giờ làm việc tại cửa khẩu

Hiện nay, giờ làm việc hiện tại cửa khẩu Kaom Samnor của Campuchia bắt đầu từ 7:00-11:30 và 14:00-17:30 (nghỉ trưa 2,5h, nghỉ đêm 13,5h); giờ làm việc hiện tại cửa khẩu Vĩnh Xương của Việt Nam bắt đầu từ 7:30-11:30 và 13:00-17:00 (nghỉ trưa 1,5h, nghỉ đêm 14,5h).

Để tạo điều kiện xuất, nhập cảnh, ngày 25/3/2015, Bộ Tài chính của Việt Nam đã ban hành Thông tư số 38/2015/TT-BTC về thủ tục Hải quan và Thuế xuất khẩu, nhập khẩu, theo đó Cơ quan hải quan sẽ thực hiện thủ tục hải quan đối với hành khách và hàng hóa vào ngày nghỉ, ngày lễ và ngoài giờ làm việc hoặc trên cơ sở thông báo trước của doanh nghiệp qua Hệ thống xử lý dữ liệu hải quan điện tử hoặc bằng văn bản. Các bên mong muốn việc làm thủ tục 24/24h tại các cửa khẩu sẽ sớm được thực hiện.

3. Về việc quá cảnh hàng hóa cũ qua cảng Cái Mép - Thị Vải:

Chính phủ Campuchia cho phép nhập khẩu hàng cũ, tuy nhiên, nếu nhập khẩu hàng qua hệ thống cảng của Việt Nam (Sài Gòn, Thị Vải, Cái Mép), doanh nghiệp Campuchia phải sang Hà Nội làm thủ tục xin phép với Bộ Công thương, mất nhiều thời gian và thủ tục. Phía Campuchia đề nghị Chính phủ Việt Nam hỗ trợ thủ tục cấp phép vận tải quá cảnh hàng hóa cũ từ các nước thứ ba sang Campuchia.

4. Về Nhóm tạo thuận lợi giao thông thủy:

Các bên đánh giá cao vai trò của Nhóm tạo thuận lợi vận tải thủy. Theo Bộ Giao thông Campuchia thông báo, phía bạn đã thành lập Nhóm tạo thuận lợi giao thông thủy ngày 19/3/2015. Đây là một bước đột phá từ khi Hiệp định được ký kết năm 2009. Nhóm này có nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động giao thông thủy, hài hòa các tiêu chuẩn và quy định giữa hai nước, đảm bảo tự do giao thông thủy, xử lý các vướng mắc, thúc đẩy hợp tác song phương. Phía Campuchia cam kết sớm tổ chức họp Nhóm tạo thuận lợi giao thông thủy hai nước lần thứ hai.

Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông Campuchia đánh giá tuyến vận tải từ TP. Hồ Chí Minh đi Phnôm Pênh là tuyến vận tải chiến lược, và các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại cảng Phnôm Pênh, đặc biệt là Nhật Bản rất mong muốn xuất nhập khẩu hàng hóa qua tuyến này thông qua cảng biển Việt Nam, do vậy, việc tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải thủy phát triển là nhu cầu bức thiết.

Quay lại

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang online: 206
Tổng số truy cập: 15861252