Trang chủ

hợp tác quốc tế

Triển vọng vận tải quá cảnh bằng đường thủy
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Hệ thống giao thông đường thủy nội địa của nước ta, nhất là khu vực đồng bằn sông Cửu Long, sông Hồng đang hội tụ nhiều điều kiện tốt để phát triển vận tải quá cảnh bằng đường thuỷ. Đây cũng là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển giao thông vận tải, hội nhập kinh tế giữa nước ta với khu vực và thế giới.

Việt Nam có 3.551 sông, suối, kênh, rạch, với tổng chiều dài khoảng 41.000 km, mật độ bình quân là 0,127 km/km2. Trong đó 38% có khả năng khai thác vận tải. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có mật độ sông kênh lớn nhất. Việt Nam được UNESCO xếp vào tốp 10 nước có mạng lưới sông lớn nhất thế giới. Đây chính là một tiềm năng to lớn của đất nước về phát triển giao thông và kinh tế.

Hệ thống đường thủy nước ta có sự kết nối với các nước láng giềng Trung Quốc, Campuchia, Lào và Thái Lan rất thuận lợi cho việc giao thương và phát triển. Giao thông đường thủy, nhất là khu vực ĐBSCL (với hệ thống sông Tiền, sông Hậu) và khu vực đồng bằng sông Hồng (với tuyến sông Thao) đang hội tụ nhiều điều kiện tốt để phát triển vận tải quá cảnh bằng đường thủy.

Hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa nước ta được điều chỉnh bằng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá hoàn chỉnh từ Luật đến các Nghị định, Quyết định như Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa, Nghị định quy định danh mục hàng nguy hiểm và vận tải hàng hoá nguy hiểm trên đường thủy nội địa, Quy định về vận tải hàng hoá đường thuỷ nội địa, quy định về vận tải hành khách đường thủy nội địa...

Các văn bản pháp luật nói trên đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động vận tải đường thủy nội địa. Mọi tổ chức, cá nhân thuộc tất cả các thành phần kinh tế, có đủ điều kiện theo quy định đều được phép kinh doanh vận tải đường thủy nội địa.

Để điều chỉnh hoạt động vận tải quá cảnh bằng đường thủy một hệ thống hành lang pháp lý đã và đang được xây dựng và dần hoàn thiện. Liên quan đến hàng hoá quá cảnh, năm 1994 Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã ký kết Hiệp định quá cảnh hàng hoá (được sửa đổi, bổ sung ngày 18/01/1995. Theo Hiệp định này, hai bên ký kết cho phép hàng hoá được quá cảnh lãnh thổ của nước mình, trừ các loại hàng hoá thuộc danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.

Ngày 17/12/2009, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã ký kết Hiệp định về vận tải thủy. Hiện nay, vận tải qua biên giới và vận tải quá cảnh Việt Nam bằng đường thủy nội địa hiện nay mới chỉ diễn ra trên hệ thống sông Mê Kông. Và đây được xem là tiền đề, cơ sở thực tiễn để nghiên cứu phát triển hệ thống vận tải qua biên giới, vận tải quá cảnh bằng đường thủy.

Theo thống kê, năm 2001 tàu nước ngoài vận tải quá cảnh đi Campuchia qua sông Tiền trên 450 ngàn tấn hàng. Đến năm 2014, lượng hàng hóa thông qua cửa khẩu Thường Phước, Vĩnh Xương đã là 3 triệu tấn. Vận tải container sang Campuchia có nhiều đơn vị tham gia như GMD, SOWATCO, Tân Cảng... Việc liên kết cảng PhnômPênh với cảng Cần Thơ, các cảng ở TP HCM và mở tuyến container để nối các cảng này với nhau sẽ tạo thành tuyến vận tải thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Vận tải hành khách và du lịch sinh thái trên sông có sức hấp dẫn lớn đối với du khách nước ngoài. Theo thống kê không chính thức các tàu du lịch xuất hành từ Cần Thơ và Châu Đốc đi PhnômPênh, số lượng khách nước ngoài đạt 500-600 lượt mỗi ngày.

Từ những năm 2006, Công ty vận tải thủy Cần Thơ đã chế tạo và đưa vào khai thác tàu khách cao tốc CAWACO-01 chạy Cần Thơ - PhnômPênh, sức chở 104 khách và 2,5 tấn hàng. Vị trí đặc biệt quan trọng của sông Mê Kông đã được khẳng định trong Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông ký kết giữa 4 quốc gia: Việt Nam - Lào - Campuchia - Thái Lan năm 1995 về tự do hóa giao thông thủy.

Hiệp định đã giao cho Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) nhiệm vụ tăng cường thúc đẩy tự do giao thông thủy trên sông MK giữa các quốc gia. Năm 2002-2003 các quốc gia thành viên đã tiến hành thảo luận chương trình giao thông thủy với các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, đến 2014, có hai nhà tài trợ chính là Bỉ và Australia.

Lợi ích của chương trình mang lại là làm tăng lượng hàng hóa quá cảnh, phát triển các tuyến lữ hành quốc tế từ TP HCM theo sông MK đi PhnômPênh và Siêm Riệp, cải thiện hệ thống phao tiêu báo hiệu, cứu nạn, xử lý ô nhiễm, nạo vét, chỉnh trị sông, đào tạo và huấn luyện nhân lực... Phát triển vận tải đa phương thức là một trong những trọng tâm hợp tác của ASEAN.

Nhằm đáp ứng xu thế đó, hàng loạt điều kiện về cơ sở hạ tầng luồng tuyến, tập trung nâng cấp, cải tạo các luồng tuyến chính, tận dụng điều kiện tự nhiên kết hợp với cải tạo để khai thác các tuyến khác, đặc biệt là các tuyến liên vận quốc tế đi Trung Quốc, Campuchia.

Hệ thống báo hiệu được hiện đại hoá, phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế, đến năm 2020 đạt 100% tuyến cấp III trở lên có báo hiệu điện, hệ thống định vị phao bằng thiết bị tín hiệu vệ tinh, bình đồ luồng tuyến bằng bản đồ kỹ thuật số. Xây dựng và nâng cấp các cảng đầu mối khu vực, các cụm cảng khác tại khu dân cư, công nghiệp tập trung, trong đó đặc biệt quan tâm đến các cụm cảng tại các vùng kinh tế trọng điểm.
 

Quay lại

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang online: 191
Tổng số truy cập: 15858415