Trang chủ

Kết cấu hạ tầng

Gần 5,3 triệu tấn hàng vận chuyển bằng tuyến sông pha biển
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Sự ra đời tuyến vận tải sông pha biển Quảng Ninh - Kiên Giang cách đây tròn một năm là bước đột phá lớn...

 

Tàu sông pha biển hoạt động trên tuyến sông Chanh, Quảng Ninh


Sự ra đời tuyến vận tải sông pha biển Quảng Ninh - Kiên Giang cách đây tròn một năm là bước đột phá lớn, kết nối vận tải sông - Ven biển - Đường bộ thông suốt Bắc - Trung - Nam, giảm tải cho đường bộ. Theo kế hoạch, hôm nay (26/10), Bộ GTVT tổ chức hội nghị trực tuyến, tiếp thu ý kiến nhằm bổ sung cơ chế tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tuyến vận tải này.

Hơn 550 tàu sông pha biển tham gia tuyến

Ông Nguyễn Việt Thắng, Trưởng phòng Vận tải - ATGT (Cục Đường thủy nội địa VN) cho biết, sau một năm Bộ GTVT công bố mở tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Quảng Bình- Bình Thuận- Kiên Giang dành cho tàu sông pha biển mang cấp VR-SB, tình hình vận chuyển trên tuyến khá sôi động. Tính đến hết tháng 8, tuyến đã đạt sản lượng vận chuyển gần 5,3 triệu tấn hàng hóa.

"Thủ tục hành chính liên quan đến tàu sông pha biển VR-SB còn khá rườm rà, cần giảm bớt phân biệt phương tiện tàu biển, tàu sông khi vào cảng. Vận tải pha sông biển có thể phát triển tốt hơn, chi phí rẻ hơn, nếu cải tạo được các cửa sông, cửa biển để kết nối tuyến ven biển với các sông chính".

Ông Nguyễn Ngọc Hải
Phó chủ tịch Hội Cảng - Đường thủy - Thềm lục địa VN

Trên chặng phía Bắc đi miền Trung các tuyến VR-SB vận chuyển nhiều loại hàng như: Than, đá, sắt, phân bón, xi măng, quặng, dầu FO, thiết bị máy móc; Chiều ngược lại là đất, đá xây dựng. Còn chặng phía Nam, từ TP HCM đi Vũng Tàu, Kiên Giang và ngược lại đảm nhận lượng lớn hàng hóa tổng hợp như: Gạo, phân bón, vật liệu xây dựng, gỗ, thực phẩm...

Theo ông Thắng, với sản lượng vận tải tương đương hơn 176 nghìn chuyến xe tải loại 30 tấn vận chuyển trên đường bộ cho thấy, bước đầu tuyến này đáp ứng được mục tiêu giảm áp lực cho đường bộ và kết nối hài hòa các phương thức vận tải. Các tuyến sông pha biển cũng mở ra xu hướng vận tải đa dạng, bởi trong số 556 tàu VR-SB đã được Cục Đăng kiểm VN cấp chứng nhận an toàn cho phép hoạt động trên tuyến, đã có hơn chục tàu chuyên chở container và một số tàu vận chuyển khách du lịch.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó chủ tịch Hội Cảng - Đường thủy - Thềm lục địa VN cho rằng, việc mở tuyến vận tải sông pha biển đã mở hướng phát triển mới, kết nối các tuyến vận tải thủy chính với nhau. Hiệu quả bước đầu là phát triển các phương tiện thủy trọng tải trên 300 tấn, sà lan, tàu chở container và giảm được giá thành vận tải.

Bổ sung hành lang pháp lý, gỡ khó cho doanh nghiệp

Ông Bùi Thiên Thu, Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, tuyến vận tải ven biển được hình thành rất nhanh chóng và đang hoạt động thông suốt. Chủ trương của Bộ GTVT về việc mở tuyến được doanh nghiệp đồng thuận, hưởng ứng. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng phối hợp và tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, thuyền viên.

Tuy nhiên, theo ông Thu, thực tế cũng cho thấy cần phải có sự điều chỉnh, bổ sung hành lang pháp lý liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp vận tải tàu VR-SB. Hiện vẫn còn không ít vướng mắc, nhất là các thủ tục liên quan đến việc phương tiện ra - vào cảng biển, chi phí hoa tiêu và chứng chỉ thuyền viên.

Đại diện Công ty TNHH Long Hưng cho rằng, quy định liên quan đến tàu VR-SB khá chồng chéo, như việc cảng thủy nội địa cho tàu hoạt động 24/24h, còn cảng vụ hàng hải chỉ cho rời cảng trước 16h.

Các doanh nghiệp vận tải Trường Nguyên, Chiến Công, Phúc Khánh lại cho rằng, chi phí cho hoa tiêu, lai dắt tàu hiện còn cao. Có trường hợp tàu tự vào cảng vẫn bị công ty hoa tiêu thu tiền.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, cũng còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Chẳng hạn, hiện vẫn chưa có phương tiện để giám sát hoạt động của tàu VR-SB trên hành trình, nhất là trong việc tuân thủ phạm vi hoạt động cách bờ tối đa 12 hải lý.

Theo ông Bùi Thiên Thu, trên các tàu VR-SB hiện mới có thiết bị VHF liên lạc khi vào khu vực cảng vụ. Vì vậy, Cục Hàng hải VN sẽ xem xét để quy định các phương tiện VR-SB phải trang bị thiết bị AIS (hệ thống tự động nhận dạng thiết bị có dữ liệu về tên tàu, tọa độ, vị trí) và thiết bị S.EPIRB (phao vô tuyến chỉ báo sự cố qua vệ tinh) để giám sát, quản lý tốt hơn hành trình của các phương tiện. 

Theo Báo Giao thông

Quay lại

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang online: 110
Tổng số truy cập: 16358370