Giải bài toán phát triển bền vững lưu vực sông
Từ khóa Xem với cỡ chữ
Thứ tư - 20/05/2015 10:16
  •  
 
ảnh internet

ảnh internet

Lượng nước bình quân đầu người đã giảm khá nhanh, từ 12.800m3 năm 1990 xuống còn 9.700m3 năm 2010 và có khả năng chỉ còn 8.300m3 vào khoảng năm 2025, khi dân số VN đạt 100 triệu người. Đó là một trong những thách thức về tài nguyên nước mà TS Đào Trọng Từ đưa ra tại hội thảo "Phát triển bền vững lưu vực sông - thách thức và giải pháp" vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Tài nguyên nước đang cạn kiệt

VN có hơn 2.372 con sông lớn nhỏ có chiều dài hơn 10 km, trong đó có 13 con sông có diện tích lưu vực trên 10.000km2. Tổng lưu lượng dòng chảy khoảng 830 - 840 tỉ m3/năm, trong đó 63% (tức khoảng 520 - 525 tỉ m3) từ các quốc gia láng giềng nằm ở thượng nguồn các con sông chảy vào VN... Những con số được đưa ra tại hội thảo cho thấy, VN không phải là quốc gia khan hiếm về nước, nhưng tài nguyên nước của VN đối mặt với nhiều thách thức ngày càng lớn.

Thách thức đầu tiên là lượng nước bình quân đầu người giảm do dân số tăng. Tài nguyên nước của VN phụ thuộc nặng nề vào nguồn nước từ ngoài biên giới quốc gia, trong khi nguồn nước mặt phân bố không đều theo không gian và thời gian. Tài nguyên nước đang ngày càng bị suy giảm cạn kiệt và ô nhiễm. Thách thức nữa là ảnh hưởng từ sự phát triển mạnh mẽ các công trình thủy điện vừa và nhỏ trên khắp các sông, suối. Mặt khác, biến đổi của khí hậu toàn cầu đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến tài nguyên nước. Cuối cùng là công tác quản lý tài nguyên nước tuy đã được cải thiện nhưng còn nhiều bất cập.

Bài toán cần giải

Thông qua việc tổng quát hóa tầm quan trọng của sông ngòi, rà soát, liệt kê và phân tích các kiểu công trình nhân tạo làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của hệ thống sông ngòi, các chuyên gia đều nhận định: Nhiều lưu vực sông còn bị khai thác bừa bãi, ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến nguồn nước, hệ sinh thái và cộng đồng dân cư. Việc khai thác gắn với phát triển bền vững các lưu vực sông, đặc biệt là các sông lớn, mang tính quốc tế chưa được quan tâm đúng mức. Đơn cử như dự án "Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai" do Cty Tân Thịnh Phát thực hiện tại phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa. Thực chất đây là dự án lấn sông để xây dựng hạ tầng nhà ở chung cư, biệt thự cao cấp và trung tâm thương mại... Trong bối cảnh đó, các chuyên gia đã đề xuất một cái nhìn tổng thể về quản lý các lưu vực sông.

TS Đào Trọng Tứ nhận định: "Cần xem xét 3 tiêu chí quan trọng nhất trong quản lý tài nguyên nước phục vụ phát triển bền vững tại VN. Một là hiệu quả kinh tế trong sử dụng nước. Hai là bình đẳng - quyền cơ bản đối với mọi người là có nước đủ về số lượng và an toàn về chất lượng để duy trì sự sống. Ba là tính bền vững về môi trường và sinh thái". TS Trần Việt Hùng - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật VN - thì cho rằng: "Bảo vệ bền vững lưu vực sông phải là hành động bức thiết, mang tính tổng hợp của cơ quan chính quyền các cấp thông qua các chương trình công tác cụ thể. Việc sử dụng tài nguyên hiện tại phải được quản lý theo cách không làm suy yếu hệ thống hỗ trợ duy trì sự sống, hài hòa sử dụng nguồn tài nguyên cho hôm nay và cho các thế hệ mai sau".

 

Nguồn tin: dwrm.gov.vn

Quay lại