Trang chủ

Quy hoạch dự án

Di dời nhà hàng nổi trên Hồ Tây: Đi không nổi, ở chẳng xong
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Các doanh nghiệp đồng thuận với chủ trương di chuyển các nhà hàng nổi trên Hồ Tây về vị trí mới.

7

Cụm nhà hàng nổi này hiện bị cắt điện, nước nhằm cưỡng chế đình chỉ hoạt động, trong khi điểm cần di chuyển đếnchưa có bến tàu để neo đậu - Ảnh: Tạ Tôn

Các doanh nghiệp (DN) tuy đồng thuận với chủ trương di chuyển các nhà hàng nổi trên Hồ Tây về vị trí mới nhưng lại đang gặp trắc trở vì thiếu hạ tầng. Chỗ mới chưa đến được, chỗ cũ bị cắt điện, nước và tạm đình chỉ hoạt động.

Muốn đi không được

Ngày 27/6, PV Báo Giao thông ghi nhận tại ven Hồ Tây đoạn số 2-4 đường Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) còn hàng chục nhà hàng nổi, tàu du lịch kết hợp ăn uống, giải trí neo đậu. Các đường dẫn, cầu tàu vẫn nguyên hiện trạng như vài tháng trước, duy chỉ không diễn ra các hoạt động kinh doanh. Trước đó, UBND TP Hà Nội đã đưa ra thời hạn chót là 20/6/2016 yêu cầu các DN di chuyển các phương tiện nổi này về khu vực Đầm Bảy (phường Nhật Tân, Tây Hồ) để bảo đảm cảnh quan đô thị. Tính từ năm 2015, đây là lần thứ 3 Hà Nội chỉ đạo ngành chức năng, quận Tây Hồ và DN phải di dời các phương tiện trên, nhưng đều không thực hiện được.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ không nói khi nào các phương tiện di chuyển được về địa điểm mới và chỉ cho biết: "Trong cuộc họp mới đây, TP đã giao UBND quận Tây Hồ thuê đơn vị tư vấn thiết kế bến thủy. Sau khi có thông báo chính thức của TP, UBND quận Tây Hồ sẽ triển khai việc này".

Điều đáng nói là bản thân các DN khẳng định mong muốn di dời nhưng lại gặp khó khăn, trắc trở. Mới đây, 3 DN là Công ty TNHH Du thuyền Hồ Tây, Công ty TNHH Nhuận Mai và Công ty CP Sông Potomac có đơn gửi UBND TP Hà Nội và Báo Giao thông cho biết, lỗi không phải do DN và mong muốn sớm đủ điều kiện để di chuyển về địa điểm mới.

"Thông báo của UBND TP Hà Nội giao cho Sở GTVT thiết kế mẫu cầu tàu, phê duyệt sau đó giao cho DN để tự thực hiện. Nhưng cho đến nay, các DN chưa di chuyển được vì chưa được bàn giao địa điểm cụ thể; chưa nhận được phê duyệt", đơn kiến nghị của DN nêu rõ.

Trên thực tế, có DN đã đưa phương tiện đến khu vực mới để neo đậu, nhưng cảm thấy không được an toàn do thiếu hạ tầng, nên đành quay trở lại bến cũ. Bà Lê Thị Bích Phương, Phó giám đốc Công ty CP Dịch vụ Tây Hồ cho biết, công ty bà đã từng đưa tàu lên vị trí mới nhưng chưa có cầu cảng, nơi neo đậu phương tiện nên chỉ ở đó buổi sáng, chiều buộc phải về neo đậu bến cũ để đảm bảo an toàn cho phương tiện.

Ở lại bị cắt điện, nước

Đại diện các DN cũng mong TP Hà Nội sớm bàn giao địa điểm cụ thể ở Đầm Bảy và mẫu cầu tàu để di chuyển phương tiện đến; Đồng thời, quy hoạch đồng bộ, bền vững khu vực Đầm Bảy phục vụ du lịch Hồ Tây với các hạ tầng cần thiết như xây dựng đường điện 3 pha, đường nước sạch, bãi đỗ xe tập trung; cũng như cho phép xả nước thải sinh hoạt từ các phương tiện vào hệ thống thu gom chung của Hồ Tây. Cần nói thêm là hoạt động trên có cách đây hơn chục năm. Đầu tiên, các phương tiện neo đậu tại ven hồ phía đường Thanh Niên, sau đó do yêu cầu quy hoạch của Hà Nội, đến năm 2010 được chuyển về số 2-4 Thụy Khuê. Sau đó, bến tàu ở đây chỉ được cấp phép hoạt động 1 năm, nên rơi vào tình trạng hoạt động sai phép và được sắp xếp để di dời về khu vực Đầm Bảy.

Theo Sở GTVT Hà Nội, trên Hồ Tây hiện có 13 DN kinh doanh dịch vụ nhà hàng nổi, tàu du lịch, với gần chục nhà hàng, tàu, sàn nổi thuộc loại có sức chứa hàng trăm khách. Trong đó, có 5 đơn vị có phương tiện hoạt động ở phía ven đường Thụy Khuê thuộc diện phải di chuyển đến địa điểm mới.

Đề cập vấn đề trên, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Việt Phương cho biết, Sở GTVT đã trình thành phố mẫu thiết kế cầu dẫn tàu, nhưng TP không chấp thuận và yêu cầu làm thành bến tàu tập trung cho các phương tiện cập vào. TP cũng đã giao UBND quận Tây Hồ chủ trì và Sở GTVT phối hợp trong việc xây dựng bến tàu. Sở GTVT đang thành lập đoàn kiểm tra đánh giá, sau đó báo cáo TP quyết định.

Còn ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết: "Sau khi TP có chỉ đạo di dời, UBND quận Tây Hồ đã đề xuất địa điểm di chuyển, bến tạm cho các nhà hàng nổi và đã được TP chấp thuận. Tuy nhiên, ngày 22/6, thành phố tổ chức cuộc họp và kết luận tạm thời đình chỉ hoạt động của các nhà hàng trên. Quận đã gửi văn bản cho đơn vị cung cấp điện lực, nước sạch đề nghị cắt điện, nước đối với các nhà hàng nổi ở số 2 - 4 Thụy Khuê". 

Theo Hồng Xiêm (báo Giao thông)

Quay lại

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang online: 448
Tổng số truy cập: 15857534