Trang chủ

Tin các đơn vị trong ngành

Cần phạt nghiêm chủ đò phớt lờ quy định mặc áo phao
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Trong khi người lái đò và hành khách qua sông thờ ơ với việc mặc áo phao vì chưa bị xử phạt, thì lực lượng chức năng cho rằng, trước mắt, nên tập trung xử phạt chủ đò, sau đó mới xử phạt hành khách.

11

Chuyến Phà Rừng nối Hải Phòng - Quảng Ninh trưa 16/9 đông nghẹt người nhưng không ai mặc áo phao

Buông lỏng và ngụy biện

Chiều 16/9, PV Báo Giao thông túc trực ở bến đò xã Hải Thanh vượt cửa biển Bạch Lạng đi xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) và thấy có hàng trăm lượt khách qua lại trên chiếc đò nhỏ, nhưng không ai mặc áo phao. Chiếc đò được làm bằng sắt, có thiết kế với hệ thống giá nâng đỡ bệ lên xuống, hai bên là những dụng cụ cứu sinh nổi được buộc chặt trên những thanh sắt, còn áo phao thì không thấy đâu.

Đại tá Lê Văn Chiến, Trưởng phòng CSGT đường thủy Thanh Hóa cho biết, từ ngày 1/7 tới nay, phòng đã tích cực tuyên truyền, phổ biến tới các chủ phương tiện, người tham gia giao thông về quy định đi đò, phà qua sông phải mặc áo phao. Tuy nhiên, hễ thấy bóng dáng lực lượng CSGT thì chủ phương tiện lại bắt người đi đò mặc vào để đối phó; Còn khi vắng lực lượng chức năng thì lại không mặc, nên cũng chưa xử lý được trường hợp nào vi phạm(?!).

Trưa 16/9, trên chuyến Phà Rừng qua sông Bạch Đằng nối Hải Phòng với TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, có tới 35 hành khách không mặc áo phao và cũng không hề thấy nhân viên phà nhắc nhở, hướng dẫn việc này. Chỉ khi người lái phà phát hiện PV Báo Giao thông quay phim, chụp ảnh thì mới yêu cầu một nhân viên khác nhanh tay phát áo phao cho những hành khách đứng sát buồng lái và những hành khách được "ưu ái" này cũng chỉ khoác áo phao vào cổ xe hoặc dùng áo phao che nắng.

Ông Cao Thanh Nam, Trưởng bến Phà Rừng thừa nhận, hầu như hành khách không chịu mặc áo phao khi qua phà. "Hầu hết người đi đò, phà là dân địa phương đi làm ăn, buôn bán, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao. Trong khi đó, đoạn sông ngắn, quen thuộc, đặc biệt là quá trình phát, nhận mặc áo phao và cởi, trả áo cho nhân viên bến phà rất lâu, vì lượng khách, phương tiện trên phà luôn chật kín, chỉ cần di chuyển chậm khi lên, xuống là ách tắc", ông Nam giải thích.

Ông Nam cũng kiến nghị, để vừa bảo đảm ATGT cho hành khách trên phà vừa tạo thói quen sử dụng dụng cụ cứu sinh khi di chuyển trên sông, nên trang bị phao tròn lớn, phao hình chữ nhật, các phao này có dây tạo chỗ nắm để nhiều hành khách cùng sử dụng chung một phao hoặc vật dụng nổi đeo tay nhỏ gọn, dễ sử dụng.

Nhân viên trên chuyến phà HY-0509 tại bến đò Vạn Phúc (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cũng băn khoăn, hành khách không mặc áo phao thì chủ đò cũng bị phạt, nhưng không nhà đò nào biết làm cách gì để hành khách mặc áo phao. "Khách trước khi xuống phà đã nộp tiền rồi, giờ chả lẽ đuổi họ lên bờ?" Tuy nhiên, khi hỏi vì sao trên phà toàn áo phao rách nát và nhân viên trên phà không hề hướng dẫn, nhắc nhở hay đưa áo phao cho khách, thì nhân viên này tỏ ra lúng túng, bỏ đi.

Cần siết chặt từ chủ đò

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Trung tá Đỗ Trọng Nghĩa, Đội trưởng Đội TTKS số 3, Phòng CSGT đường thủy, Công an TP Hà Nội cho biết, xử phạt người tham gia giao thông thủy không mặc áo phao có những khó khăn, đặc thù riêng. Nếu như xử phạt người đi xe máy không đội MBH, chỉ cần dừng một xe, ảnh hưởng đến 1-2 người và có thể thu GPLX, giấy tờ xe máy, còn xử phạt người trên đò, phà, không thể bắt cả chuyến đò, phà dừng lại, người đi đò cũng không có các giấy tờ liên quan để thu giữ.

"Quy định mới đi vào thực tiễn, nên chúng tôi tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở và xử phạt chủ đò là chính để chủ đò có trách nhiệm đôn đốc, tuyên truyền, yêu cầu người đi đò mặc áo phao đảm bảo ATGT. Khi nào ý thức người dân được nâng lên thì mới xử phạt từng hành khách", Trung tá Nghĩa nói.

Trung tá Nghĩa cho biết, từ ngày 15/11/2015 - 15/8/2016, Đội thực hiện Chuyên đề xử phạt bến đò khách ngang sông và đã xử phạt 889 trường hợp người đi đò không mặc áo phao, nhưng mức phạt này áp dụng cho chủ đò, tức trên đò có bao nhiêu người không mặc áo phao thì cộng vi phạm để chủ đò nộp phạt. Tuy nhiên, ngay cả việc xử phạt chủ đò cũng không phải là giải pháp hoàn hảo bởi theo Trung tá Nghĩa, chủ đò không thể lúc nào cũng có mặt trên đò, trong khi lái đò, nhân viên làm thuê trên đò chỉ là người làm công, nên họ còn thiếu ý thức, trách nhiệm nhắc nhở, đưa áo phao cho hành khách.

Trung tá Nguyễn Thanh Tuyền, Q. Trưởng phòng CSGT Đường thủy, Công an tỉnh Nam Định cũng cho biết, do quy định mới đi vào thực tiễn, nên sau giai đoạn tuyên truyền, phòng mới triển khai xử phạt chủ đò không thực hiện phát áo phao cho hành khách. "Hiện, phòng đã xử phạt được 10 chủ đò để hành khách không mặc áo phao, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để khi ý thức chủ đò, hành khách nâng lên, sẽ xử phạt hành khách", Trung tá Tuyền nói.

Trung tá Đỗ Văn Lực, Đội trưởng Đội CSGT TX Quảng Yên, Quảng Ninh cũng đồng tình với giải pháp cần tập trung nâng cao trách nhiệm của chủ đò trước. "Lực lượng chức năng không thể túc trực 24/24h tại các bến đò để kiểm tra, xử lý, vì vậy điều chủ yếu là các chủ phương tiện phải luôn nhắc nhở hành khách mặc áo phao khi qua đò tạo thành thói quen như đội MBH khi đi xe máy".

Theo Nghị định 132 của Chính phủ "Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa" bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016:  Phạt tiền từ 100 - 200 nghìn đồng đối với hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông; Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50 - 100 nghìn đồng đối với hành vi không chấp hành nội quy an toàn trên phương tiện, không chấp hành sự hướng dẫn của thuyền viên, người lái phương tiện.

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 - 200 nghìn đồng đối với người sử dụng phương tiện không có động cơ sức chở đến 12 người để vận chuyển người, hành khách vi phạm:  Không có nội quy an toàn hoặc không phổ biến nội quy an toàn, không hướng dẫn cách sử dụng thiết bị, dụng cụ an toàn cho người, hành khách trên phương tiện.

 P.V

 

Quay lại