Trang chủ

Tin các đơn vị trong ngành

Cửa Lạch Giang - Dự án đường thủy “độc nhất vô nhị”
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Dự án Cụm công trình cửa Lạch Giang có địa chất, khí hậu thủy văn phức tạp nhất trong số các DA đường thủy từ trước đến nay.

27
Cụm công trình cửa Lạch Giang nhìn từ trên cao

Đây cũng là nơi đầu tiên áp dụng biện pháp thi công đê chắn sóng theo kiểu "tạo mái vòm".

Địa hình thách đố thi công…

Trên chuyến máy bay tầm thấp ATR 72 từ Hà Nội vào miền Trung, tôi vô tình "bắt" được hình ảnh cụm công trình cửa Lạch Giang (Nam Định). Chiêm ngưỡng từ trên cao, các dải đê chắn sóng từ cửa sông Ninh Cơ lấn thẳng ra biển, kết thành hình tựa chiếc tàu màu trắng chuẩn bị tiến vào sông Ninh Cơ. Vài khoảng rộng ven bờ trước kia ngập sâu trong nước giờ đã bồi lên những bãi cát phẳng, mịn. Nếu được đầu tư xây dựng thành khu du lịch sinh thái, nơi này hẳn sẽ là sự kết hợp hài hòa giữa dự án đường thủy và phát triển kinh tế - du lịch của địa phương.

Ông Lê Huy Thăng, Tổng giám đốc BQL các dự án đường thủy cho biết, đây là dự án cải tạo cửa sông, đáp ứng cho tàu sông pha biển có trọng tải 2-3 nghìn tấn lưu thông đến các cảng thủy nội địa trên sông Ninh Cơ, sông Hồng, sông Đáy,... thuộc Dự án phát triển GTVT đồng bằng Bắc bộ (WB6). Dự án có tổng cộng 8 gói thầu, gồm các hạng mục: đê chắn sóng, nạo vét luồng, kè bờ bãi đổ thải...

Mới đây, Bộ GTVT có quyết định chọn Dự án cụm công trình cửa Lạch Giang là công trình được gắn biển chào mừng 70 năm thành lập ngành GTVT (28/8/1945 - 28/8/2015).

Theo hiệp định với Ngân hàng thế giới, chậm nhất đến 31/12/2015 phải hoàn thành, nhưng với tiến độ hiện nay, hoàn toàn có thể đảm bảo vượt kế hoạch. Đến giờ, đã có gói hoàn thành gần 100%, vượt tiến độ gần bốn tháng, gói chậm nhất cũng đã đạt 85% khối lượng. Ông Thăng cũng xác nhận, bây giờ đã có thể nhận diện cụm công trình này từ trên máy bay tầm thấp hoặc qua hình ảnh của hệ thống Google Earth. Đây có lẽ cũng là công trình đường thủy duy nhất của nước ta có thể thấy được từ trên máy bay.

Điều đáng nói là cách đây một năm, dự án dù đã đi hết 1/3 thời gian nhưng tiến độ bị chậm rất nhiều. Thời điểm đó, máy móc trên công trường vắng lặng, có gói thầu khối lượng thi công chỉ đạt dưới 10%. Nhưng dự án trở nên "nóng" sau những cuộc thị sát, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT để đốc thúc tiến độ.

Theo ông Lê Huy Thăng, nguyên nhân khiến dự án trước đây "rùa bò" là do địa hình, thủy văn nơi này có độ khó nhất so với tất cả các dự án đường thủy từ trước đến nay. Bởi lẽ, đây là khu vực cửa biển, tháng 3 đến tháng 6 có gió Nam rất mạnh, sóng biển lớn, gần như không thể thi công. Địa hình cửa biển dốc, sóng vỡ, đa chiều, lại "nông chẳng ra nông, sâu chẳng đủ sâu" khiến việc đưa thiết bị thi công loại lớn vào thì mắc cạn, nhỏ thì dễ bị trôi, lật. Chuyện phương tiện thi công bị lật hay thiết bị bị chìm, trôi mất… không thể tránh khỏi.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó TGĐ Công ty CP xây dựng và thương mại 299, người tuần nào cũng trực tiếp xuống hiện trường thi công chia sẻ: chưa từng gặp địa hình thi công nào phức tạp như cửa Lạch Giang và có nhà thầu phải mất 4-5 tháng mới tìm được phương án vận chuyển vật liệu thi công.

Gói gọn trong một từ... đẹp

Người trong nghề xây dựng, khi cận cảnh các con đê chắn sóng ở cửa Lạch Giang sẽ thấy sự mềm mại khác thường chưa nơi nào có. Các trụ bê tông khối rỗng được lắp ghép tạo vòm, thay cho cách tạo hình mái thẳng, vuông góc thường thấy.

TS. Bùi Việt Đông, Trưởng bộ môn Cảng - đường thủy, Đại học Xây dựng, từng không tin rằng dự án lại có thể đạt được "hình hài" như hiện nay, cũng như vượt ngoài mong đợi về tính thẩm mỹ. Ts. Bùi Việt Đông cho biết, sau một chuyến dẫn đầu đoàn khảo sát thực địa của Bộ môn Cảng - đường thủy mới đây, ông gói gọn trong từ "đẹp" để nhận xét về dự án này. "Thật khó tin là công trình đã đẩy tiến độ lên rất nhanh và đạt được tính thẩm mỹ cao. Nhìn từ góc độ kỹ thuật, nếu BQL dự án không có sự quyết liệt, dám thay đổi giải pháp kỹ thuật đột phá sẽ không thể đạt được kết quả này", TS. Đông nói.

Ông Lê Huy Thăng cho biết, sau thời gian đầu "tranh cãi", ông kiên định giải pháp dùng vải địa kỹ thuật để xử lý nền đất yếu, thay vì dùng vật liệu cát như đơn vị tư vấn giám sát "nhất quyết" đề nghị.

"Nếu nghe theo tư vấn, thay nền đất yếu bằng cát, dự án sẽ bị đội chi phí lên ít nhất 1,5-2 lần và bị chậm tiến độ. Còn với giải pháp mà BQL đưa ra, dự án không bị đội chi phí và giữ nguyên tính ổn định", ông Thăng cho biết.

Thêm một sự sáng tạo khác là đơn vị quản lý dự án đã dùng biện pháp "cuộn tạo vòm" các trụ bê tông khối rỗng Haro, khác với cách xếp theo hình có cạnh thẳng, bẻ góc mà các dự án khác trên thế giới vẫn làm. " Giải pháp xếp định vị theo phương pháp "cuộn tạo vòm" chỉ duy nhất có tại dự án cụm công trình Lạch Giang. Giải pháp này phù hợp để chắn sóng, cát, tạo độ ổn định, sự mềm mại và kiểm soát được việc duy tu công trình", ông Thăng chia sẻ.

Theo báo giao thông

Quay lại