Trang chủ

Tin hoạt động ngành

Đường thủy nội địa “số hóa” để tự đổi mới
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam đang nỗ lực tạo đột phá trong cung cách quản lý bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng văn phòng điện tử quản lý luồng tuyến, phương tiện thủy.

Thông tin luồng tuyến sẽ được thông báo trên bản đồ điện tử, tạo thuận lợi cho chủ tàu, lái tàu thủy nội địa

Họp trực tuyến, quản lý công việc qua mạng

Tham dự cuộc họp trực tuyến của Cục ĐTNĐ Việt Nam về thí điểm áp dụng hệ thống phần mềm tin học cấp phép cho phương tiện thủy ra, vào cảng, bến thủy nội địa, PV Báo Giao thông cảm nhận rõ sự thay đổi trong cung cách quản lý về lĩnh vực này. Qua hệ thống màn hình, âm thanh trực tuyến, từ lãnh đạo Cục đến các đơn vị trực thuộc Cục từ Bắc chí Nam dễ dàng tổ chức bàn thảo công việc. Họp trực tuyến không có gì xa lạ với nhiều đơn vị, nhưng với Cục ĐTNĐ Việt Nam lại là điều mới mẻ.

"Ứng dụng mạnh mẽ CNTT là hướng đi cần thiết để đổi mới, tạo sự năng động trong từng đơn vị và minh bạch, hiệu quả trong công tác quản lý lĩnh vực ĐTNĐ".

Ông Hoàng Hồng Giang
Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam

Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, khoảng hai tháng trở lại đây, cơ quan Cục ĐTNĐ Việt Nam đã cơ bản "số hóa" công việc của các phòng, ban và đang điều hành công việc theo mô hình văn phòng điện tử. Trong phần mềm giao việc, những công việc cụ thể được giao cho ai, bộ phận nào đều có thời hạn hoàn thành, nếu quá hạn sẽ có tín hiệu báo màu đỏ thông báo nhắc nhở. Cách quản lý trên giúp xác định rõ công việc chậm ở khâu nào, ai chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, một số báo cáo cũng được Cục đẩy lên mạng, tạo sự công khai thông tin.

"Cục ĐTNĐ Việt Nam đã lên kế hoạch đầu tư, ứng dụng CNTT đến năm 2020, với mục tiêu tạo môi trường làm việc trực tuyến, để cán bộ, công chức có thể làm việc hiệu quả mọi lúc, mọi nơi và sớm cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp", ông Giang cho biết. 

4 nhóm dịch vụ công chuẩn bị trực tuyến

Không dừng lại ở mô hình văn phòng điện tử, đến tháng 9, trên trang điện tử www.viwa.gov.vn của Cục ĐTNĐ Việt Nam đã xây dựng, cập nhật được kho dữ liệu thông tin khá lớn: Lập bản đồ số hóa 45 tuyến vận tải thủy quốc gia, các trạm quản lý đường thủy, dữ liệu của hơn 3 nghìn cảng, bến thủy; Danh mục sông, kênh có khả năng vận tải; Danh sách doanh nghiệp vận tải thủy; Hơn 53 nghìn chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành Đường thủy; hệ thống báo cáo ATGT trực tuyến; Chuẩn bị cập nhật dữ liệu phương tiện thủy…

Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng xác định trong ba tháng tới, sẽ cung cấp dịch vụ công trực tuyến thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Cụ thể, ngày 15/10 sẽ cung cấp nhóm dịch vụ đối với tàu nước ngoài cập, rời bến thủy nội địa và nhóm dịch vụ phương tiện thủy cập, rời bến thủy nội địa; Ngày 30/10 triển khai nhóm dịch vụ liên vận Việt Nam - Campuchia; Ngày 15/11 cung cấp nhóm dịch vụ công quản lý phương tiện và bằng, chứng chỉ thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa.

Hiện tại, những kế hoạch "số hóa" đang được Cục ĐTNĐ Việt Nam hiện thực bằng những việc cụ thể như: Thí điểm cấp phép tàu vào, ra cảng bằng tin nhắn hoặc email, sử dụng camera giám sát tại cảng, bến thủy và phòng thi lấy chứng chỉ thuyền viên.

Doanh nghiệp hưởng ứng

Chia sẻ về những lợi ích mang lại của việc ứng dụng CNTT, ông Cao Văn Định, Giám đốc Công ty CP Quản lý đường sông số 6 cho biết: "Lập bản đồ số luồng tuyến, định vị phao tiêu, báo hiệu giúp thông báo luồng, tự động chỉ đường cho phương tiện, cũng như quản lý tốt hơn phao tiêu, báo hiệu. Số hóa quản lý cũng giúp dễ dàng xác định được đơn vị quản lý luồng, báo hiệu có kịp thời cập nhật, điều chỉnh phao tiêu, báo hiệu theo điều kiện thủy văn thực tế hay không".

Còn theo ông Nguyễn Văn Ngoãn, Giám đốc Công ty Vận tải thủy Sơn Hải (Hải Dương), việc xác nhận thông tin qua tin nhắn, email để cấp phép từ xa cho tàu vào cảng được triển khai càng sớm càng tốt cho doanh nghiệp. Không phải lúc nào tàu cũng cập bờ được để lên trình báo, đợi làm thủ tục, trong khi nhiều chuyến tàu cần làm hàng nhanh để kịp con nước, thời gian giao hàng.

Về luồng tuyến đường thủy, theo ông Ngoãn thường xuyên có sự thay đổi về độ nông, sâu, bồi, lở nên việc định vị được cốt luồng, chướng ngại vật và thông báo trên bản đồ điện tử sẽ rất hữu ích cho người điều khiển phương tiện.

Huy Lộc - Báo GTVT

Quay lại