Trang chủ

Tin hoạt động ngành

Bát nháo bến thủy nội địa
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, hiện Cục đang quản lý khoảng 2.300 bến thủy nội địa tại khu vực ĐBSCL, trong đó trên 500 bến chưa được cấp phép hoặc giấy phép đã hết hạn.

 

Sông Ba Rài, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) có hàng chục bến thủy nội địa trên đoạn sông dài khoảng 3km - Ảnh: M.Trường


Điều này dẫn tới nguy cơ gây ra tai nạn giao thông đường thủy khá cao.

Mỗi cơ sở lập một bến

Trên sông Tiền đoạn qua TP Mỹ Tho (Tiền Giang), đường và bờ kè có vốn đầu tư gần 389 tỉ đồng mới đưa vào sử dụng thời gian qua. Nơi đây được xem là điểm đến của người dân TP Mỹ Tho và khách du lịch, nhưng đến nay có hàng chục thuyền nhỏ, tàu to, sà lan... lập bến neo đậu.

Ông Trần Minh Tuấn, người dân ngụ TP Mỹ Tho, cho rằng con đường ven sông này rất đẹp nên việc quy định chỗ đậu cho tàu, thuyền cần được triển khai đồng bộ để đảm bảo mỹ quan.

Dọc sông Tiền hướng từ TP Mỹ Tho đi huyện Cai Lậy, hàng trăm bến thủy được mở cặp mé sông. Từ các công ty kinh doanh thức ăn gia súc, đúc bêtông đến các bãi kinh doanh vật liệu xây dựng, xay xát lúa gạo đều đua nhau mở bến.

Ông Nguyễn Thành Phương, chủ một cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng cạnh sông Tiền, giải thích sở dĩ mỗi cơ sở cần một bến riêng do chiến lược kinh doanh của mỗi cơ sở khác nhau dù kinh doanh chung mặt hàng.

Do mạnh ai nấy lập bến nên trên dòng sông Ba Rài (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) dài khoảng 3km có hàng chục bến thủy nội địa san sát nhau. Những bến này chủ yếu phục vụ ghe tàu đưa lúa gạo lên xay xát và trong tình trạng không có phép hoặc giấy phép hết hạn.

Dùng xe máy đi kiểm tra... bến sông

Theo Sở Giao thông vận tải Đồng Tháp, địa phương có sông rạch nhiều nhưng việc tuần tra để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy tại cảng, bến chủ yếu đi bằng xe máy trên đường bộ vì chưa có canô và công cụ hỗ trợ.

Ông Nguyễn Khánh Hải, trưởng phòng quản lý giao thông và môi trường Sở Giao thông vận tải Đồng Tháp, thừa nhận trên địa bàn tỉnh còn nhiều bến thủy không phép, trong đó tồn tại nhiều trên các tuyến trung ương quản lý. Chỉ tính riêng kênh Xáng - Lấp Vò có 181 bến thủy nội địa thì có tới 79 bến thủy không phép hoặc giấy phép hết hạn.

Theo ông Hải, để đưa bến thủy nội địa vào khuôn khổ, tỉnh Đồng Tháp đang tính đến chuyện quy hoạch xem trên tuyến sông sẽ có bao nhiêu bến, quy mô bến lớn nhất cỡ nào để không ảnh hưởng đến luồng lạch.

Ông Huỳnh Văn Nguyện, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Tiền Giang, cũng cho biết thời gian tới địa phương sẽ thực hiện lại việc quy hoạch bến thủy nội địa để loại ra những bến không đạt tiêu chuẩn, đồng thời giúp cơ quan chức năng quản lý tốt hơn những bến được cấp phép.

Ông Hoàng Hồng Giang (cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam): Cần đẩy mạnh việc đình chỉ các bến không phép

Hiện 13 tỉnh, thành ĐBSCL thuộc trách nhiệm quản lý của Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực III và Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực IV có 2.367 bến thủy nội địa. Trong đó có 1.829 bến đã được cấp giấy phép hoạt động, 538 bến chưa được cấp giấy phép hoạt động hoặc giấy phép đã hết hạn.

Các bến thủy không được cấp phép nên không được tổ chức quản lý, tàu thuyền ra vào xếp dỡ hàng hóa không được kiểm tra thường xuyên nên tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Cục Đường thủy nội địa sẽ tăng cường lực lượng thanh tra để xử phạt vi phạm hành chính đối với bến hoạt động không phép trên tuyến quốc gia. Ngoài ra, các cấp địa phương cần đẩy mạnh việc đình chỉ, giải tỏa các bến thủy hoạt động không phép.

Quay lại