Bộ GTVT tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCNVN và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải thủy
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Ngày 11/12, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật Bộ đã chủ trì Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải thuỷ. Tham dự Hội nghị có các cơ quan quản lý nhà nước về Hải quan, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Ủy ban sông mê công Việt Nam, Ủy Ban An toàn giao thông quốc gia,  Lãnh đạo các Cục, Vụ trực thuộc Bô GTVT gồm Vận tải, Pháp chế, Hợp tác quốc tế, Hàng hải Việt Nam và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam – Cơ quan thường trực Hiệp định; các cơ quan truyền thông, các doanh nghiệp, Hiệp hội khai thác cảng và vận tải thủy đang hoạt động trên tuyến vận tải thủy Việt Nam Campuchia.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Về phía các tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long có đại diện UBND tỉnh cùng Lãnh đạo các Sở giao thông vận tải Tp. Hồ Chí Minh, An Giang, Đồng Tháp... các cơ quan Hải quan, Biên Phòng, Y tế kiểm dịch, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng đã đồng chủ trì và có bài phát biểu chào mừng Hội nghị, khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của hệ thống giao thông trong sự phát triển kinh tế, xã hội của Thành phô.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, quan hệ láng giềng hữu nghị, tốt đẹp giữa Việt Nam - Campuchia trong những năm gần đây đã đạt nhiều thành tựu lớn, trong năm 2019 kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt hơn 5,3 tỷ USD. Để đạt được mức tăng trưởng vượt bậc đó, có sự đóng góp không nhỏ của ngành giao thông vận tải, đặc biệt là tại khu vực phía Nam.Việc ký kết Hiệp định vận tải thủy giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Campuchia năm 2009 và sửa đổi Hiệp định ngày 26/2/2019 nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tạo được hành lang pháp lý, đơn giản hóa các thủ tục, qua đó tạo điều kiện cho các hoạt động giao thương giữa hai nước. Sau hơn 10 năm, tuyến vận tải này đã trở thành những tuyến giao thương huyết mạch, có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, kinh tế giữa Việt Nam và Campuchia, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam nói chung, các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, hiện thực hóa mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ hai nước mong muốn tại các Hội nghị cấp cao CLMW "biến hành lang giao thông thành hành lang kinh tế".

Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Bùi Thiên Thu phát biểu tại Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Bùi Thiên Thu đã khẳng định Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hiểu rất rõ vinh dự cũng như trọng trách là cơ quan thường trực mà Bộ Giao thông vận tải đã tin tưởng giao nhiệm vụ, hàng năm luôn hợp tác chặt chẽ với cơ quan thường trực phía bạn là Tổng cục đường thủy, hàng hải và cảng Campuchia để kịp thời tham mưu, báo cáo hai Bộ về tình hình thực hiện Hiệp định, cũng như xây dựng kế hoạch thực hiện, tuyên truyền phổ biến để các doanh nghiệp vận tải hàng hóa và hành khách tận dụng tối đa được ưu đãi tự do giao thông thủy mà Chính phủ hai nước đã dành cho các tuyến vận tải thủy của Hiệp định. Trong 10 năm qua, hai nước đã làm thủ tục cho gần 73 nghìn lượt phương tiện, hơn 397 nghìn lượt thuyền viên, hàng chục triệu tấn hàng hóa và gần 1,3 triệu lượt hành khách, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trên tuyến lần lượt là 605 triệu USD và 66 triệu USD. Không chỉ góp phần gia tăng sự kết nối giao thương, khơi thông vận tải tại đồng bằng sông Cửu Long, tuyến vận tải thuỷ Việt Nam- Campuchia còn đóng vai trò quan trọng trong kết nối, gom hàng cho các tàu đến cảng Tp. Hồ Chí Minh và đặc biệt là cụm cảng biển nước sâu Cái Mép-Thị Vải với đà tăng trưởng từ 15-20% hàng năm, năm 2019 là gần 5 triệu tấn, đạt mức 300.000 TEU. Chỉ tính riêng hàng container quá cảnh chúng ta thu về cho đất nước 100 triệu USD/năm và 15 triệu USA phí bốc dỡ.

Ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế thông báo, trên cơ sở báo cáo của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, tại buổi hội đàm song phương giữa Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính Campuchia tổ chức ngày 25/11/2020 vừa qua, việc thực hiện Hiệp định vận tải thủy giữa hai nước là một trong những nội dung quan trọng được được hai Bộ trưởng chú trọng thảo luận. Việt Nam đã đề xuất những vướng mắc cần tháo gỡ để Bộ trưởng Campuchia xem xét như bố trí đầy đủ các cơ quan chức năng liên quan tại khu vực Cửa khẩu Koh Rrok, là cửa khẩu mới được bổ sung theo Phụ lục sửa đổi sau khi rà soát Hiệp định năm 2019; tăng cường giải quyết các thủ tục điện tử, đặc biệt với hàng container, quan tâm nâng cao công suất cảng Phnom Penh để đẩy nhanh lưu lượng hàng hóa.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Phan Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải thủy Việt Nam – Campuchia đã được trao đổi tại Hội nghị tuyên truyền Hiệp định do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức sáng cùng ngày, bao gồm tuân thủ việc làm thủ tục một lần đối với tất cả các thủ tục lien quan, kiến nghị áp dụng mức phí, lệ phí đối với phương tiện vận tải thuỷ trên tuyến đường thủy quy định tại Hiệp định Việt Nam - Campuchia là mức phí được áp dụng theo đúng mức phí đang áp dụng cho các phương tiện vận tải thủy nội địa của Việt Nam, theo đúng quy định không phân biệt đối xử của hai Chính phủ tại Hiệp định; kiến nghị đơn giản hóa thủ tục hải quan, không áp dụng các quy định nội luật tương tự hang nhập khẩu của Việt Nam  đối với hàng hoá quá cảnh tuyến vận tải thuỷ Việt Nam – Campuchia nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí của doanh nghiệp và phù hợp với quy định tại Hiệp định; kiến nghị Cơ quan chức năng tại cửa khẩu Vĩnh Xương, Thường Phước và cửa khẩu bên phía Campuchia làm thủ tục đến 22h tiến tới làm thủ tục 24/24; Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo để đảm bảo phương tiện hoạt động được an toàn, hiệu quả và một số kiến nghị khác liên quan đến việc cấp thị thực, thay đổi thủy thủ tại khu vực biên giới do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Đại biểu các Sở GTVT, các cơ quan bộ ngành như Hải quan, Biên phòng, Cục, Vụ của Bộ GTVT và các Hiệp hội, Doanh nghiệp cũng tham gia các ý kiến sôi nổi tại Hội nghị.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định, Hiệp định vận tải thủy giữa Chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là sợi dây thắt chặt mối quan hệ hữu hảo giữa hai nước Việt Nam Campuchia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa hai nước. Qua 10 năm được triển khai, Hiệp định được ký kết đã khẳng định vai trò thiết yếu, tạo khung pháp lý nhiều thuận lợi để thúc đẩy vận tải thủy Việt Nam Campuchnh, đặc biệt từ khu vực cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải qua tuyến sông Tiền và sông Hậu của Việt Nam đến các cảng biển tại Pnom Penh của Campuchia và ngược lại, góp phần khẳng định vị thế cảng trung chuyển, cửa ngõ phía Đông trong khu vực.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật chỉ đạo Cục đường thủy nội địa Việt Nam – cơ quan thường trực Hội nghị tổng hợp ý kiến đề xuất của các địa phương, doanh nghiệp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả 10 năm thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải thuỷ và kiến nghị, đề xuất các giải pháp khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Sáng cùng ngày, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Bùi Thiên Thu đã chủ trì Hội nghị Tuyên truyền Hiệp định vận tải thủy Việt Nam – Campuchia với sự tham dự của Nhóm tạo điều kiện thuận lợi vận tải thủy Việt Nam Campuchia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, các doanh nghiệp vận tải thủy hoạt động trên tuyến và Hiệp hội vận tải thủy, Hiệp hội đại lý và môi giới hàng hải.

Phòng KHCN-HTQT&MT

Quay lại