Trang chủ

Tin hoạt động ngành

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thị sát Tân cảng Sài Gòn
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá Tân cảng Sài Gòn là một trong những đơn vị làm logistics tốt nhất hiện nay.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nghe lãnh đạo TCSG báo cáo trong chuyến thị sát

Chiều 18/5, tại cảng Tân cảng Cát Lái, Bộ trưởng Bộ GTVT dẫn đầu đoàn công tác đã có buổi làm việc với Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (TCSG).

Báo cáo với Bộ trưởng về hoạt động sản xuất kinh doanh, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đăng Nghiêm, Tổng giám đốc Tổng công ty TCSG cho biết: Hiện nay, một số cảng của Tổng công ty như cảng Cát Lái, Phú Hữu có thể tiếp nhận làm hàng cho tàu có trọng tải 4,5 vạn tấn, cảng Hiệp Phước là 7 vạn tấn và Cái Mép là 16 vạn tấn…

Ông Nghiêm đề nghị Bộ GTVT ủng hộ chủ trương giao TCSG là chủ đầu tư, khai thác dự án cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ (2.000m cầu tàu cho tàu 200.000 DWT, 100 ha bãi) nhằm kết nối và thực hiện tốt đồng thời hai nhiệm vụ quốc phòng, kinh tế theo chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Mở các tuyến đường thủy nội địa (ĐTNĐ) bởi hiện nay, Cát Lái mới khai thác khoảng 75% công suất nhưng giao thông ngày càng tắc nghẽn.

Cùng đó, đề nghị Bộ chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Tuyến đường hoàn thành là giải pháp căn cơ giúp khách hàng giao nhận hàng hóa trực tiếp tại các cảng Cái Mép, Hiệp Phước; không phải trung chuyển qua cảng Cát Lái như hiện nay. Hàng từ Cái Mép và Hiệp Phước về Cát Lái chiếm khoảng 80% gây ách tắc cho Cát Lái. Trong khi, mỗi container vận chuyển trung chuyển tăng từ 4 - 4,5 triệu đồng. TCSG đang có hướng không chuyển hàng từ các cảng về Cát Lái nhưng phải được Chính phủ cho phép.

Toàn cảnh buổi làm việc

Đại diện TCSG cũng đề nghị Bộ có ý kiến cùng với các Bộ, ngành liên quan tháo gỡ tình trạng hàng tồn đọng tại cảng biển, nhất là hàng phế liệu nhập khẩu tại cảng Cát Lái.

Về phát triển logistics đường sắt, Tân cảng đề nghị Bộ ủng hộ, chỉ đạo cho phép TCSG được hợp tác tham gia sâu hơn vào việc đầu tư, điều hành, khai thác mảng vận chuyển hàng hoá bằng đường sắt. Việc tham gia mảng vận chuyển đường sắt sẽ giúp kết nối hiệu quả các trung tâm logistics của TCSG với vận tải đường sắt và các phương thức vận tải khác; Đồng thời, giúp giảm chi phí logistics trên cơ sở sử dụng cơ sở hạ tầng, giao thông hữu hiệu của ngành Đường sắt…

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho hay, đề xuất của TCSG về xây cảng nước sâu ở Cái Mép - Thị Vải, xét năng lực, TCSG là một trong những ứng cử viên hàng đầu. Riêng vấn đề tồn đọng hàng tại cảng Cát Lái, trong cuộc làm việc mới đây, Cục đã giao Cảng vụ Hàng hải TP.HCM phối hợp với đại diện Sở GTVT TP.HCM, đại diện TCSG làm việc với Hải quan Cát Lái để có kết quả báo cáo Bộ. Trước hết rà soát ở Cát Lái, sau đó sẽ làm ở những cảng khác.

Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Xuân Sang phát biểu

Về việc hợp nhất hai cảng Cái Cui (Cần Thơ) của TCSG và VinaLines, hai cảng này chưa hoạt động hết công suất nên nhập lại là đúng. Liên quan đến nạo vét luồng Quan Chánh Bố, hiện chỉ vướng 3,8km dân phản đối, không cho nạo vét. Giải quyết vấn đề này, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đồng ý để Trà Vinh ứng 30 tỷ đồng trả tiền bồi thường. Phương tiện đã đợi sẵn để sẵn sàng nạo vét nếu có thể triển khai ngay.

Về luồng Cái Mép - Thị Vải, Cục đã tìm được một vị trí đổ đất ở tỉnh Tiền Giang, nên không đổ ra biển nữa. Tuy nhiên, do khoảng cách xa nên chi phí tăng. Còn việc TCSG đề xuất để hoa tiêu Tân cảng dẫn tàu ra vào cảng Lạch Huyện, hoa tiêu phải đảm bảo có đủ năng lực, có chứng chỉ vùng...

Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ VN nêu ý kiến: Ở phía Nam hiện nay, vận tải ĐTNĐ vận chuyển 120.000 teu/năm thì TCSG chiếm 65%. Lâu nay, hàng tập trung về cảng Trường Thọ để về Cát Lái. Cuối năm nay, cầu Bình Lợi khánh thành, nâng được tĩnh không thuyền thì cảng ICD An Sơn, ICD Long Bình sẽ chia tải được cho Trường Thọ.

Ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM thông tin, khu vực Cát Lái đang có 4 dự án được triển khai. Về lâu dài, đường Vành đai 2 kết nối từ cầu Phú Mỹ ra XLHN sẽ được xây dựng và dự kiến hoàn thành sau năm 2020. Ngoài đường bộ, còn có đường thủy hỗ trợ cho Cát Lái. Thành phố cũng đã kêu gọi đầu tư và duyệt cho 3 dự án. Đối với cảng Hiệp Phước, luồng Soài Rạp khoảng tháng 1 - 2/2019 sẽ nạo vét xong.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu kết luận cuộc họp

Thay mặt Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ghi nhận và biểu dương kết quả, thành tích mà TCSG đã đạt được. Bộ trưởng bày tỏ tự hào về truyền thống tốt đẹp của TCSG trong giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo, phát triển kinh tế.

"Trong những năm qua, TCSG là lá cờ đầu trong những đơn vị làm kinh tế. Đối với cộng đồng DN, các đồng chí có uy tín. Có thể nói, TCSG là một trong những đơn vị làm logistics tốt nhất hiện nay. Hình thành được các chuỗi vận tải ở ĐBSCL cũng như các tuyến vận tải khác. TCSG phát triển cả về doanh thu, lợi nhuận, đầu tư được nhiều cảng, đóng góp cho ngân sách Nhà nước và TP.HCM rất lớn…", Bộ trưởng nói.

Về một số đề xuất của Tổng công ty, Bộ trưởng đồng tình với phương hướng nâng cao năng suất khai thác, tự động hóa của TCSG. Hệ thống giao thông tiếp cận là vấn đề lớn, đề nghị TP.HCM cố gắng đẩy nhanh tiến độ các dự án. Đề nghị TCSG phối hợp với thành phố đề xuất một số cơ chế, chẳng hạn như đầu tư một số công trình giao thông, những tuyến đường chuyên dùng… Đẩy mạnh vận tải thủy để giảm tải cho đường bộ. Cần nghiên cứu các giải pháp liên quan đến Cái Mép - Thị Vải, Hiệp Phước để giảm tải cho Cát Lái. Có cơ chế chính sách đưa hàng về các nơi khác. Hình thành trục giao thông kết nối, Bộ ủng hộ với điều kiện lấy kinh phí từ hoạt động sản xuất kinh doanh của TCSG.

Liên quan đến đề xuất về xây dựng cảng Cái Mép hạ, Bộ trưởng đồng ý về nguyên tắc, đơn vị nào đầu tư cũng được nhưng phải có thế mạnh về logistics, cảng biển… thì cảng tốt.

Bộ trưởng chỉ đạo, khẩn trương điều chỉnh lại quy hoạch cảng để mở rộng các cầu cảng, có thể tiếp nhận các tàu lớn hơn. Ngoài ra, cần phát triển vận tải thủy ở khu vực phía Bắc, TCSG nghiên cứu, Cục ĐTNĐ phải tạo điều kiện thuận lợi nhất.

Về cảng Cái Cui, Bộ trưởng mong muốn có doanh nghiệp mạnh để khai thác có hiệu quả. Theo đó, tính toán để hình thành được liên doanh là tốt nhất. Cùng đó, nên hình thành trung tâm logistics ở khu vực cảng này.

Việc giải quyết hàng tồn cho Cát Lái, theo Bộ trưởng, từ nay trở đi phải có giấy phép, có địa chỉ mới cho vào chứ không để trôi nổi như vậy được. Bộ trưởng chỉ đạo Cục Hàng hải VN sớm có báo cáo cụ thể về vấn đề này.

Bộ trưởng trăn trở, công tác nạo vét các tuyến luồng để các tàu lớn vào cảng cần khẩn trương chứ không thể chậm mãi như vậy được. Tình hình hiện nay, phương án tốt là đổ bùn đất nạo vét trên bộ. Bộ trưởng chỉ đạo, nên mời các địa phương hỗ trợ tìm bãi đổ phù hợp. Nếu các tỉnh khác nói không có thì làm văn bản chính thức đề nghị đổ ở Tiền Giang...

Quay lại