Trang chủ

Tin hoạt động ngành

Cục ĐTNĐ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa năm 2020
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Để tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông trên đường thủy nội địa, chiều ngày 26/8/2020 Cục ĐTNĐ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về "Tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa năm 2020" tại 04 điểm cầu Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Bùi Thiên Thu đã chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam; đại diện Vụ An toàn giao thông - Bộ GTVT, Cục Cảnh sát giao thông; Ban An toàn giao thông và Cảnh sát giao thông các địa phương; đại diện các phòng, đơn vị thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam; các đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì đường thủy nội địa và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đường thủy nội địa.

Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Bùi Thiên Thu phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã đánh giá, phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông trong năm 2019 và 8 tháng đầu năm 2020 và đề xuất các giải pháp. Phát biểu kết luận Hội nghị, Cục trưởng Bùi Thiên Thu đánh giá cao sự tham dự và đóng góp ý kiến của đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng thời Cục trưởng nêu một số định hướng giải pháp trước mắt và lâu dài để ngăn ngừa tai nạn giao thông đường thủy trong thời gian tới như sau:

Nhóm giải pháp trước mắt:

1. Tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền gắn với điạ phương từ cấp cơ sở (cấp xã, phường), nhằm đạt hiệu quả tuyên truyền cao nhất; Về hình thức tuyên truyền, nghiên cứu thêm các kênh thông tin có thể tiếp cận tới người dân ở các vùng sâu, vùng xa, người dân hoạt động trên sông nước như kênh VOV giao thông…

2. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính theo trọng tâm, trọng điểm nhằm phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm. Chú trọng công tác phối hợp liên ngành và phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương để nâng cao hiệu quả kiểm tra. Chú trọng việc tuyên truyền cũng như xử phạt đối với các lỗi thuộc về ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông (là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông đường thủy thời gian qua).

3. Rà soát, tăng cường các biện pháp quản lý đối với hoạt động của bến và phương tiện đò ngang, bến khách ngang sông.

4. Tiếp tục kêu gọi, tổ chức phát động phong trào ủng hộ tặng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cho người dân vùng sâu, vùng xa.

5. Đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức rà soát, phân loại phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh (kể cả phương tiện thô sơ) để thuận tiện trong công tác quản lý, đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa; đồng thời Ban hành quy định về tổ chức quản lý đối với phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 01 tấn hoặc sức chở dưới 05 người hoặc bè khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải đảm bảo điều kiện an toàn theo quy định.

6. Tiếp tục duy trì và triển khai thêm một số vị trí cấp thiết để thực hiện điều tiết, chống va trôi đảm bảo an toàn giao đường thủy.

Đại diện Phòng VT&ATGT - Cục ĐTNĐ Việt Nam trình bày báo cáo

Nhóm giải pháp lâu dài:

1. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy định liên quan đến ATGT đường thủy, đề xuất đưa vào chương trình để sửa đổi Luật Giao thông đường thủy nội địa; Xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 132/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, theo hướng nâng mức xử phạt vi phạm, bảo đảm đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm.

2. Công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp liên ngành, địa phương

- Nghiên cứu xây dựng quy trình công tác thanh tra, kiểm tra an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường của phương tiện thủy nội địa, tàu biển.

- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành đường thủy nội địa cho các cán bộ, công chức thanh tra của Cục ĐTNĐ Việt Nam.

- Nghiên cứu giải pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp các ngành, phối hợp với các địa phương từ cấp xã, huyện đến cấp tỉnh trong bảo đảo trật tự an toàn giao thông.

3. Công tác quản lý phương tiện

- Thực hiện tổng điều tra phương tiện thủy nội địa, thuyền viên, người lái phương tiện và đơn vị kinh doanh vận tải đường thủy; Có giải pháp xử lý phù hợp đối với phương tiện không đăng ký, đăng kiểm (chủ yếu là phương tiện gia dụng, dân sinh, nhỏ).

- Đối với các phương tiện đóng theo kinh nghiệm dân gian đang hoạt động ổn định đề nghị các địa phương khảo sát phân nhóm phương tiện và đề nghị Cục Đăng kiểm thẩm định thiết kế định hình theo các nhóm phương tiện đó để tạo điều kiện cho người dân vùng lòng hồ được đăng ký, đăng kiểm phương tiện và ổn định cuộc sống.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý phương tiện và đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa.

Ông Nguyễn Vũ Hải - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam phát biểu ý kiến

 

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông phát biểu ý kiến

 

Các đại biểu tham dự trực tuyến tại các điểm cầu: Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ 

4. Công tác quản lý luồng tuyến

- Đối với các địa phương chưa có quy hoạch tổng thể phát triển giao thông đường thủy nội địa, cần sớm xây dựng quy hoạch, trên cơ sở quy hoạch để đầu tư, tổ chức quản lý luồng tuyến, xây dựng cảng, bến thủy nội địa.

- Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quy hoạch lại vùng nuôi trồng thủy sản và tăng cường công tác tuyên truyền đến từng hộ gia đình để nhận thức rõ hơn sự nguy hiểm của các công trình trên sông.

5. Công tác quản lý thuyền viên, người lái

- Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, kiểm tra cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện thủy nội địa, đặc biệt là công tác giáo dục ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường thủy nội địa cho thuyền viên, người điều khiển phương tiện thủy nội địa.

- Đề xuất Bộ Giao thông vận tải ban hành chương trình đào tạo an ninh cảng thủy nội địa.

6. Công tác quản lý cảng, bến thủy nội địa

- Yêu cầu các Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa chỉ đạo các Đại diện Cảng vụ các khu vực phối hợp chặt chẽ với các địa phương cấp huyện, cấp xã để rà soát, hướng dẫn thủ tục phối hợp để giảm thiểu các bến không phép, tăng cường công tác kiểm tra các phương tiện.

- Đối với các cảng, bến thủy nội địa đã hoạt động nhiều năm, không ảnh hưởng đến luồng đường thủy, đê điều nhưng hiện tại đã hết hạn Giấy phép hoạt động, đề nghị các Sở Giao thông vận tải các tỉnh tham mưu UBND tỉnh, chỉ đạo các sở ngành tạo điều kiện về thủ tục để cấp phép cho các bến thủy nội địa được tiếp tục hoạt động theo quy định, nhằm giảm tải cho vận tải đường bộ.

- Đề nghị Ban An toàn giao thông các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến hoạt động không phép, hết hạn giấy phép hoạt động, nhất là các bến có hoạt động đón trả khách vì tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông đường thủy nội địa.

- Đề nghị các địa phương hoàn thiện quy hoạch cảng, bến thủy nội địa, để cấp phép hoạt động, kiên quyết thu hồi đất đai, đình chỉ, giải tỏa các bến không đủ điều kiện hoạt động.

- Đối với các cảng bến trên tuyến của địa phương đã cấp phép hoạt động (nhưng địa phương chưa thành lập cơ quan Cảng vụ), nghiên cứu có giải pháp quản lý, để bảo đảm các phương tiện đều được kiểm tra cấp giấy phép vào rời cảng bến.

Phòng VT&ATGT

Quay lại