Trang chủ

Tin hoạt động ngành

Ngành Đường thủy nội địa khẩn trương tạo Luồng xanh đường thủy hỗ trợ các tỉnh phía Nam chống dịch
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, trong ba ngày 17-19/7, Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản gửi các Chi cục, Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực III, IV về việc tăng cường giám sát, quản lý người đến từ TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố, vùng và hỗ trợ hoạt động vận tải hàng hóa thiết yếu bằng đường thủy nội địa.

Ngành Đường thủy nội địa khai mở luồng xanh đường thủy

Cụ thể, thực hiện Văn bản số 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện giãn cách xã hội, phòng, chống dịch tại một số địa phương và "bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, nhực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân...;bảo đảm sản xuất, lưu thông hàng hóa an toàn trong nội bộ tỉnh, thành phố và với các địa phương khác; không để thừa, thiếu hàng hóa, ách tắc giao thông"  Cục trưởng Cục ĐTNĐ Bùi Thiên Thu đã trực tiếp trao đổi với Lãnh đạo Sở GTVT An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp và TP. Hồ Chí Minh về hoạt động vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn của từng địa phương. Theo đó, Cục đã phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp vận tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam và Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang và Long An để xây dựng phương án vận chuyển hàng hóa thiết yếu bằng đường thủy, tạo luồng xanh đường thủy nội địa trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 19/7, cơ quan đăng kiểm đã triển khai thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng kiểm cho 02 phương tiện tàu cao tốc được chở hàng, một phương tiện được chở đến 17,5 tấn và một phương tiện được chở đến 20 tấn hàng hóa (theo phương án, sẽ tiếp tục kiểm tra và cấp cho 03 phương tiện nữa được chuyển đổi để chở hàng). 

Thực hiện Chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp ngày 18/7 về việc phối hợp với các địa phương trong việc công bố hoạt động bến thủy nội địa tạm thời, Cục trưởng Bùi Thiên Thu đã trực tiếp trao đổi với Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang và Bến Tre ngay trong ngày 18/7 đã ban hành Văn bản số 1566/CĐTNĐ-VT-ATGT gửi Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, Bến Tre về việc sử dụng bến phà trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. 

Ngày 19/7 Sở GTVT tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định số 476/QĐ-SGTVT về việc công bố hoạt động tạm thời bến thủy nội địa Bến hàng hóa Song Thuận (bến phà Rạch Miễu).

Sáng 19/7, 02 trong số 05 tàu cao tốc đã lên đường
về Bến Tre, Tiền Giang để chở rau, củ về TP Hồ Chí Minh

Đến ngày 19/7, 10 địa phương, gồm: TP. Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bến Tre, Tiền Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ yêu cầu thuyền viên phương tiện thủy nội địa vận chuyển hàng hóa hạn chế lên bờ (khi vào, rời cảng, bến thủy nội địa, cảng biển chỉ cử 01 người đại diện làm thủ tục cảng vụ và phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch theo quy định, người lên bờ phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 hoặc test nhanh kháng nguyên). Riêng Kiên Giang yêu cầu thực hiện theo các quy định về phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.

02 địa phương gồm An Giang, Cà Mau yêu cầu tất cả thuyền viên trên phương tiện thủy nội địa phải có phiếu xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 hoặc test nhanh kháng nguyên. Điều này gây bất cập đối với hoạt động vận tải thủy nội địa, cụ thể: thời gian chuyến hành trình của phương tiện thủy nội địa hết từ 3-5 ngày (trong thời gian này thuyền viên chỉ ở trên phương tiện không tiếp xúc với người ngoài), nếu đã có kết quả xét nghiệm tại cảng bến xuất phát thì khi đến cảng bến thuộc địa bàn các tỉnh cũng bị hết hạn và thuyền viên phải đi xét nghiệm lại; thuyền viên khó khăn trong việc tìm nơi xét nghiệm nhanh, các vị trí xét nghiệm thường ở xa cảng, bến thủy nội địa và phải chờ đợi kết quả xét nghiệm, từ 0h ngày 19/7, 19 tỉnh, thành phố thực hiện theo Chỉ thị 16, việc đi lại để làm xét nghiệp sẽ rất khó khăn…

Do đặc thù của vận tải đường thủy nội địa là khối lượng vận chuyển lớn, thời gian vận chuyền dài (từ TP. HCM đi các tỉnh miền Tây hết từ 3-5 ngày), thuyền viên khi rời cảng, bến không lên bờ, không tiếp xúc với người ngoài. Khi phương tiện đến cảng, bến đích thuyền viên cũng  được các cảng vụ yêu cầu hạn chế lên bờ, hầu hết chỉ cử 01 thuyền viên lên làm thủ tục cảng vụ, các thuyền viên khác không được lên bờ nên công tác đảm bảo phòng dịch có nhiều ưu thế hơn vận tải đường bộ và hàng không.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cũng đã có kiến nghị Sở GTVT các tỉnh, thành phố không yêu cầu tất cả thuyền viên trên phương tiện phải có phiếu xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 hoặc test nhanh kháng nguyên mà chỉ yêu cầu thuyền viên phương tiện thủy nội địa vận chuyển hàng hóa khi vào, rời cảng, bến thủy nội địa, cảng biển chỉ cử 01 thuyền viên đại diện làm thủ tục cảng vụ và phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch theo quy định, người lên bờ phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 hoặc test nhanh kháng nguyên, các thuyền viên khác không được lên bờ). Trường hợp phương tiện thủy xuất phát từ cảng, bến xuất phát đến cảng đích đầu tiên mà thời gian quá 3 ngày, đề nghị vẫn được chấp nhận thực hiện thủ tục vào cảng, bến.

"Để tạo luồng xanh vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hàng nông sản tại các tỉnh phía Nam, đề nghị Sở GTVT các tỉnh, thành phố rà soát các đơn vị kinh doanh vận tải phương tiện thủy nội địa tốc độ cao có nhu cầu chuyển đổi chở hàng hóa thiết yếu hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là đối với các địa phương thực hiện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để tổng hợp danh sách doanh nghiệp, phương tiện để phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có giải pháp linh hoạt để triển khai thực hiện", lãnh đạo Cục ĐTNĐ VN yêu cầu đồng thời đề nghị các tỉnh chỉ đạo Cảng vụ Đường thủy nội địa thuộc Sở GTVT tích cực tháo gỡ khó khăn, linh hoạt (có thể chụp, gửi hồ sơ, bằng cấp, giấy tờ của thuyền viên, phương tiện), tạo điều kiện ở mức cao nhất có thể trong công tác làm thủ tục vào, rời cảng, bến thủy nội địa tạo thuận lợi để hàng hóa lưu thông nhất là hàng thiết yếu, hàng nông sản, không gây ách tắc và bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch.

Số lượng tàu sẽ được điều động tối đa để phục vụ người dân

Được biết, sáng nay, 19/7, hai tàu cao tốc Greenlines DP đã xuất bến từ TP Hồ Chí Minh đi Tiền Giang chở lương thực thiết yếu về TP Hồ Chí Minh, hôm nay là chuyến đi đầu tiên nên tàu sẽ xuất phát trước hai chuyến. Sắp tới, số lượng tàu sẽ được điều động tối đa để phục vụ người dân.

Dự kiến mỗi chuyến tàu sẽ vận chuyển được 20 tấn hàng hoá thiết yếu. Như vậy, trong ngày hôm nay sẽ có khoảng 40 tấn hàng được đưa về TP Hồ Chí Minh. Hàng sẽ được xếp trong tàu, mở máy lạnh nên hàng hoá sẽ tươi, sống để phục vụ người dân.


Toàn bộ ghế ngồi của tàu cao tốc được tháo dỡ
để có thể chở được số hàng hoá nhiều nhất lên TPHCM. 

Trưa cùng ngày, hai tàu cao tốc đã cập bến tại bến phà tạm Rạch Miễu bờ Song Thuận (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) bắt đầu vận chuyển hàng nông sản từ Tiền Giang về TP. Hồ Chí Minh.

Đây là những tấn hàng nông sản đầu tiên dùng "luồng xanh đường thủy" ở phía Nam nhằm giảm tải cho "luồng xanh đường bộ", tăng cường nông sản cho thị trường TP.HCM và tránh đứt gãy chuỗi cùng ứng hàng hóa trước ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

Theo đó, điểm tập kết hàng hóa, nông sản… cho tàu cao tốc bốc dỡ hàng sẽ đặt tạm ở bến phà Rạch Miễu (xã Song Thuận, huyện Châu Thành).

Ông Đặng Văn Tuấn - Quyền giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang cho biết, trong ngày sẽ có khoảng hơn 30 tấn hàng nông sản củ, quả như dưa hấu, dưa lưới, bí… được vận chuyển về cung ứng cho thị trường TP Hồ Chí Minh.

"Trong buổi sáng cùng ngày Công ty Greenlines DP đã thu mua đủ 17 tấn hàng nông sản cho chuyến tàu đầu tiên. Còn một chiếc tàu còn lại sẽ tập trung thu gom mua hàng nông sản và sẽ xuất bến trong chiều nay" - Ông Tuấn cho biết.

Theo kế hoạch, dự kiến cách 2 ngày tùy theo nhu cầu thị trường, tàu cao tốc của Công ty Greenlines DP sẽ đến Tiền Giang để thu mua hàng nông sản vận chuyển về TP Hồ Chí Minh.

Ông Trần Song Hải cho biết thêm theo đúng lịch trình, các chuyến tàu cao tốc đường thủy sẽ xuất phát hằng ngày từ 6 giờ sáng tại bến Bạch Đằng, đi tới 12 giờ trưa quay về lại TP Hồ Chí Minh. Sau đó, 13 giờ sẽ tiếp tục khởi hành thêm một chuyến đến khoảng 18 giờ sẽ trở lại TP Hồ Chí Minh.

Dự kiến khoảng 2 - 3 ngày tới, sau khi các lái tàu, thuyên viên quen đường thì sẽ cho tàu cao tốc chạy cả đêm và mở rộng luồng hàng tới tất cả các địa phương Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Vũng Tàu…

Nguồn: Tổng hợp

Quay lại