Trang chủ

Tin hoạt động ngành

Thảo luận giải pháp tăng cường vận tải container bằng phương tiện thủy nội địa khu vực phía Bắc
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Ngày 11 tháng 9 năm 2020, tại thành phố Hà Nội, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức cuộc họp với các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải container vực phía Bắc về giải pháp tăng cường vận tải container bằng phương tiện thủy nội địa khu vực phía Bắc. Tham dự cuộc họp có đại diện Vụ Vận tải - Bộ Giao thông vận tải, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, các doanh nghiệp vận tải container, doanh nghiệp khai thác cảng và doanh nghiệp dịch vụ logistics, gồm: Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Công ty Cổ phần Logistics và khai thác cảng Lokaport, Công ty Cổ phần đầu tư Bắc Kỳ, Công ty TNHH Hải Linh, Công ty TNHH quốc tế Delta, và Công ty Cổ phần phát triển hàng hải.

Phát biểu tại khai mạc cuộc họp, Phó Cục trưởng Phan Văn Duy đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội tập trung trao đổi về phí cơ sở hạ tầng khu vực cảng biển Hải Phòng, đề xuất các giải pháp giảm chi phí vận tải container bằng đường thủy nội địa; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội mạnh dạn, thẳng thắn phản ánh về các vấn đề liên quan đến chi phí phát sinh ngoài quy định trong các khâu  làm thủ tục vào, rời cảng, bến thủy nội địa cũng như trong quá trình phương tiện vận tải trên tuyến để Cục có biện pháp kiểm tra, xử lý theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường vận tải container bằng phương tiện đường thủy nội địa khu vực phía Bắc.

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Ông Trần Văn Cường Giám đốc ICD Tân Cảng Quế Võ cho rằng, tuyến vận tải container bằng đường thủy nội địa kết nối cảng biển Hải Phòng với ICD Quế Võ, cảng thủy nội địa Tri Phương khu vực Bắc Ninh phù hợp với phương tiện thủy nội địa tải trọng đến 120 TEUs. Phân tích về phí cơ sở hạ tầng khu vực cảng biển Hải Phòng đối với container được vận tải bằng đường thủy nội địa, ông Cường cho rằng khi phương tiện thủy nội địa hoạt động trong khu vực cảng biển Hải Phòng chỉ sử dụng luồng đường thủy, không sử dụng công trình, cơ sở hạ tầng đường bộ, trong khi tuyến luồng đường thủy do Trung ương đầu tư, còn các cầu, bến trong cảng biển Hải Phòng thì do doanh nghiệp đầu tư. Trên cơ sở phân tích nêu trên, ông Cường đề nghị cơ quan có thẩm quyền địa phương miễn phí cơ sở hạ tầng đối với container được vận tải bằng đường thủy nội địa. Tại cuộc họp, đại diện doanh nghiệp cũng đề nghị các cơ quan thẩm quyền nhà nước có các biện pháp quản lý quyết liệt, hiệu quả, không để phát sinh các khoản chi phí ngoài quy định, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Ông Lê Mạnh Cương Giám đốc Công ty Cổ phần Logisics và Khai thác Cảng Lokaport đề nghị hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt nam đại diện tiếng nói chung của các doanh nghiệp thành viên gửi văn bản tới các cơ quan có thẩm quyền báo cáo về các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp vận tải container bằng đường thủy nội địa khu vực phía Bắc cũng như đề xuất các biện pháp để không phát sinh chi phí ngoài các chi phí theo quy định, giúp giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp cũng như giảm chi phí logistics.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho rằng, nếu được miễn phí cơ sở hạ tầng đối với container được vận tải bằng đường thủy thì sẽ giảm khoảng 10% chi phí logistics, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa container chuyển xuống phương tiện đường thủy nội địa góp phần giảm tải cho vận tải đường bộ. Ông cũng nhất trí với đề xuất của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam về việc ký kết quy chế phối hợp giữa Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong hoạt động vận tải thủy nội địa.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Cục trưởng Bùi Thiên Thu cho rằng để thúc đẩy vận tải container bằng phương tiện đường thủy nội địa khu vực phía Bắc cần giảm chi phí, tạo chi phí cạnh tranh thì hàng hóa container tại cảng biển sẽ chuyển từ đường bộ xuống phương tiện đường thủy nội địa. Trong thời gian tới, Cục sẽ từng bước tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng trên tuyến như cải tạo, nâng tĩnh không cầu đường sắt, đường bộ, tập trung xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, nạo vét luồng đường thủy nội địa và tổ chức công tác điều tiết, chống va trôi tại các vị trí trọng yếu để đảm bảo luồng, tuyến được thông suốt, an toàn. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam sẽ có văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét miễn phí cơ sở hạ tầng khu vực cảng biển Hải Phòng đối với hàng container vận tải bằng phương tiện thủy nội địa. Đồng thời, tăng cường đối thoại, tiếp xúc với các doanh nghiệp vận tải thủy, doanh nghiệp cảng, dịch vụ logistics, thường xuyên lấy ý kiến tham gia của các hiệp hội, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải thủy nội địa và quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa để đảm bảo cơ chế chính sách khuyến khích phát triển vận tải thủy nội địa sát với thực tế, đạt hiệu quả cao và đảm bảo tính kết nối giữa vận tải đường thủy nội địa và các phương thức vận tải, nhất là với các cảng biển và vận tải đường bộ.

Phòng Vận tải và An toàn giao thông

Quay lại