Trang chủ

Tin hoạt động ngành

Thái Bình, Nam Định cần quan tâm phát triển giao thông thủy
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa tại buổi làm việc với hai tỉnh Nam Định, Thái Bình.

9

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa  và Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên (thứ hai từ phải qua) kiểm tra hiện trường dự án nâng cấp, mở rộng QL39 qua Thái Bình

Ngày 15/2, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GTVT kiểm tra thực tế một số dự án giao thông và làm việc với tỉnh Thái Bình, Nam Định.

Giao thông thủy giảm tải cho giao thông bộ

Tại buổi làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Phạm Văn Sinh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Diên và lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thái Bình, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đánh giá cao sự tăng tốc, phát triển đột phá về kinh tế - xã hội của tỉnh những năm gần đây. Bộ trưởng nhìn nhận, sự phát triển đó, một phần nhờ cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư ngày càng hoàn thiện. Thái Bình là một trong những tỉnh có cách làm rất tốt để phát huy nội lực địa phương. "Nhờ những con đường, cây cầu, Thái Bình đã không còn ở thế "ốc đảo", giao thương thuận lợi, kinh tế phát triển", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng lưu ý, hệ thống cơ sở đường bộ của Thái Bình đã phát triển khá tốt, không chỉ trên quốc lộ, tỉnh lộ mà cả giao thông nông thôn. Địa phương đã có 76,5% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Do đó, thời gian tới, Thái Bình với lợi thế có 4 con sông lớn, cần quan tâm phát triển vận tải thủy để giảm chi phí vận tải, giảm hư hỏng đường bộ và giảm TNGT.

Với dự án cầu Thịnh Long, thuộc tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa chỉ đạo phải đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu để chậm nhất phải khởi công dự án quý II/2017, hoàn thành năm 2019. 

Tương tự, tại buổi làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Nam Định FFoanf Hồng Phong và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị, Bộ trưởng nhìn nhận, Nam Định cũng là địa phương có hệ thống giao thông bộ phát triển tốt, có hệ thống giao thông đường thủy nội địa lớn gồm 257 km sông cấp I do T.Ư quản lý, hệ thống sông do địa phương quản lý dài 279 km (không kể 1.130 km kênh nội đồng). Nam Định cũng là một địa phương đã được đầu tư lớn về giao thông thủy, do đó cần phát huy tối đa ưu thế của loại hình vận tải này. Làm việc với Bí thư tỉnh ủy Nam Định Đoàn Hồng Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị và lãnh đạo chủ chốt tỉnh Nam Định, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư rất quan tâm đến vận tải thủy bởi khả năng vận chuyển lớn, giá rẻ và không bị ùn tắc".

Cả hai địa phương Thái Bình, Nam Định những năm qua đều có kết quả kéo giảm TNGT khá tốt, nên Bộ trưởng đề nghị các địa phương tiếp tục phát huy và bổ sung những giải pháp đảm bảo ATGT hiệu quả hơn nữa để tiếp tục kéo giảm TNGT một cách bền vững. Riêng Nam Định, dù kết quả đảm bảo TTATGT những năm qua tốt, nhưng TNGT đường sắt còn ở mức cao. "Đường sắt Bắc - Nam qua Nam Định dài 42 km, nhưng có trên 321 đường ngang dân sinh là rất bất cập, nguy cơ TNGT lớn. Đề nghị địa phương nỗ lực xem xét lại vấn đề đường dân sinh, tuyệt đối không để tăng đường ngang, giảm thì càng tốt", Bộ trưởng nói.

Ủng hộ xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh

Trước đề nghị đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh, đoạn qua tỉnh Nam Định với tổng chiều dài khoảng trên 50km, tổng mức đầu tư dự kiến gần 10.000 tỷ đồng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho hay, tuyến đường này có hướng tuyến song song với tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định. Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định dài khoảng 56km, trong đó đoạn đi trùng QL21 dài 6km, đã đạt quy mô đường cấp III, tận dụng giữ nguyên; Các đoạn tuyến còn lại dài 45,56km chưa có đường được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện đầu tư. Hiện, Bộ GTVT đang giao Ban QLDA 2 nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư phù hợp làm cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

"Nay Nam Định đề xuất tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh này, Bộ GTVT sẽ đồng hành cùng Nam Định có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo hướng giao UBND tỉnh Nam Định - Ninh Bình là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện đầu tư", Thứ trưởng Công nói. 

Bộ trưởng Nghĩa cũng ủng hộ đề xuất của Nam Định xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh. Bộ trưởng lưu ý, dự án này nên đề xuất phân kỳ đầu tư và nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, để tạo điều kiện thuận lợi trong việc huy động nguồn lực của các địa phương trong điều kiện nguồn lực Trung ương khó khăn, đề nghị giao tỉnh Nam Định là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án.

An Na

Quay lại