Trang chủ

Tin hoạt động ngành

Vì sao hơn 2.000 bến thủy không phép vẫn hoạt động?
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Sau 10 năm Luật Giao thông đường thủy nội địa có hiệu lực, hàng nghìn bến hàng hóa không phép vẫn đang hoạt động ngoài luật, gây bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh cảng, bến thủy...


Bến thủy không phép, vi phạm hành lang an toàn cầu trên sông Cầu qua tỉnh Thái Nguyên

Không phép vẫn "bình chân"

Sông Hồng đoạn qua phường Phúc Thịnh (TX Sơn Tây, Hà Nội) là nơi tập trung nhiều cụm cảng, bến thủy nội địa bốc xếp vật liệu xây dựng, thiết bị máy móc, than, đóng tàu. Ngoài các bến chờ tái cấp phép, tại đây có hai bến vật liệu xây dựng và hai bến đóng tàu có diện tích hàng nghìn mét vuông, hoạt động không phép từ nhiều năm nay.

Đáng nói, năm nào lực lượng chức năng của Trung ương, địa phương cũng đến kiểm tra, thậm chí ban hành quyết định đình chỉ hoạt động, nhưng không có hiệu lực. Theo ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực Sơn Tây, trên 32 km sông Hồng do đơn vị quản lý có tới 8 bến không phép. Thế nhưng, cảng vụ lại không có thẩm quyền kiểm tra, xử lý loại bến này.

Điển hình hơn, trên sông Cầu, Đuống, Thái Bình thuộc phạm vi quản lý của Đại diện cảng vụ Bắc Ninh, theo Trưởng đại diện Nguyễn Văn Luận, có tới 60 bến không phép. "Cảng vụ không được vào kiểm soát bến không phép, không thu được phí cảng vụ. Chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị kiểm tra, xử lý một loạt, nhưng chỉ xử phạt không đủ để ngăn chặn hoạt động của các bến không phép", ông Luận nói.

Tình trạng trên từ lâu đã diễn ra phổ biến tại hầu khắp các tuyến đường thủy quốc gia khác, mà theo ước tính của Cục Đường thủy nội địa VN, hiện toàn quốc có tới hơn 2 nghìn bến không phép các loại. Nguyên nhân do các bến này thiếu thủ tục về đất đai, địa phương chậm lập quy hoạch bến, vi phạm công trình hành lang an toàn cầu, đê điều, bến chỉ hoạt động thời vụ…

Cần một giải pháp tổng thể

Từ năm 2015, Bộ GTVT phân cấp cho Sở GTVT địa phương cấp phép hoạt động bến thủy trên các tuyến đường thủy quốc gia, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và địa phương. Thế nhưng, nhiều địa phương lại vẫn đang "giữ nguyên hiện trạng", chưa cấp phép mới, cấp phép lại hoặc giải tỏa bến trái phép vì chưa ban hành được quy hoạch cảng, bến hoặc vướng mắc trong vấn đề quản lý đất đai tại các bến.

Để giải quyết vấn đề này, Cục Đường thủy nội địa VN đang rà soát, đề nghị sửa đổi quy định về cảng, bến thủy; đồng thời xây dựng quy chế phối hợp giữa các lực lượng thanh tra - cảng vụ - CSGT đường thủy và lực lượng liên quan trong kiểm tra, xử lý vi phạm bến, phương tiện, hàng hóa tại bến không phép, cũng như tăng cường trách nhiệm lực lượng thực thi công vụ. Ông Nguyễn Công Minh, Trưởng chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc cho biết, đã chỉ đạo lực lượng thanh tra đường thủy tăng cường giám sát hoạt động của phương tiện tại các bến không phép. Việc làm này nhằm ngăn chặn tình trạng lấy hàng ở bến không phép nhưng vẫn trả hàng ở bến có phép mà không bị xử lý hoặc trường hợp "xin khống" giấy phép rời bến từ bến có phép.

Đề cập giải pháp tổng thể hơn, ông Cao Tấn Quân, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV cho rằng, có thể chia bến không phép thành ba nhóm và có giải pháp cụ thể cho mỗi nhóm.

Theo ông Quân, nhóm thứ nhất là loại bến có khả năng, đủ điều kiện tiêu chuẩn theo Thông tư 50 năm 2014 của Bộ GTVT để cấp phép hoạt động, yêu cầu chủ bến thực hiện các thủ tục để cấp phép. Nhóm thứ hai, bến có hiện trạng vi phạm hành lang an toàn mà chờ giải tỏa, di dời dưới ba năm trở lại, nhưng chưa đến mức đe dọa mất ATGT đường thủy, có thể cấp phép tạm, nhưng giới hạn vùng nước để quản lý. Và nhóm thứ ba, bến đang đe dọa trực tiếp đến ATGT đường thủy, yêu cầu chính quyền địa phương giải tỏa, di dời ngay.

Muốn làm được điều đó, phải có sự phối hợp, cùng vào cuộc của các cơ quan chức năng: Sở GTVT chủ trì (vì là cơ quan cấp phép); Chi cục Đường thủy khu vực, lực lượng cảng vụ đường thủy; Phòng CSGT đường thủy; chính quyền địa phương và cơ quan chức năng khác có liên quan để tạo sự thống nhất.

Chia theo nhóm và thực hiện cụ thể từng giải pháp, sẽ giải quyết tận gốc bến không phép", ông Quân nói và cho rằng, nên quy định chức năng, nhiệm vụ của Cảng vụ đường thủy nội địa theo Điều 71, 72 của Luật Giao thông đường thủy nội địa để lực lượng này không bị bó hẹp thẩm quyền kiểm soát chỉ trong vùng nước cảng, bến như hiện nay, đồng thời lấp được chỗ trống về quản lý Nhà nước trên luồng tuyến.

Theo Huy Lộc (Báo Giao thông)

Quay lại