Trang chủ

Tin hoạt động ngành

Xóa sổ điểm khai thác cát lậu trên sông giáp ranh 3 tỉnh
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Lần đầu tiên Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc lập tổ công tác chốt trực, tuần lưu, giám sát 24/24h tại ngã ba sông Hồng-Luộc để chấn chỉnh vi phạm hoạt động khai thác cát, giữ bình yên sông nước.

13

Thành viên Tổ công tác "Ngã ba sông tam tỉnh" thị sát hoạt động của một tàu hút cát trong khu vực

Mang chiêng trống xua đuổi tàu hút cát

Từ nhiều tháng qua, trên đoạn sông Hồng dài hơn chục kilomet đoạn qua xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam thường xuyên xảy ra tình trạng căng thẳng giữa người dân ven sông với các đơn vị khai thác cát. Nguyên nhân các tàu hút cát hoạt động gây nguy cơ sụt lún bờ kè, sạt lở đất canh tác ven sông của người dân.

Theo Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc, chỉ hơn chục kilômét nhưng có đến 4 mỏ khai thác cát và 1 dự án nạo vét luồng tận thu. Khu vực này cũng là ngã ba sông Hồng - Luộc, giáp ranh "tam tỉnh" Hà Nam - Thái Bình - Hưng Yên, nên rất phức tạp, nhiều tàu hút cát "vô danh" từ nơi khác đến lén lút hoạt động, gây mất trật tự trên luồng. Quá bức xúc, người dân thường xuyên có  hành động tự phát nhằm ngăn không cho tàu nạo vét gần bờ.

"Với tinh thần đi trước mở đường, anh em chúng tôi quyết tâm bám địa bàn 24/24h, thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm  60 năm thành lập ngành đường thủy nội địa VN (11/8/1956 -11/8/2016)."

Ông Đặng Thế Quang

Chia sẻ với PV, ông Trần Văn Hoài, người dân thôn Hồng Lý, xã Chân Lý kể, hơn 1 năm nay, cứ đêm xuống là các tàu cuốc, tàu hút cát thi nhau hoạt động. "Khi thì đậu gần bãi nổi, lúc lại thấy gần bờ kè, cứ đà này chẳng mấy chốc rọ đá, đất đai sẽ tụt hẳn xuống sông. Dân các xóm đã gửi đơn đến xã, đồng thời tự bảo vệ bờ bãi, khi thấy tàu đến gần bờ liền mang chiêng trống ra gõ để cảnh báo, xua đuổi", ông Hoài nói và cho biết, ngày 3/1 vừa qua, do bức xúc nên hàng trăm người dân đã đến lán trại của một công ty đóng tại thôn Đồng Yên để phản đối, yêu cầu ngừng hoạt động. Người của đơn vị hút cát còn mang cả can xăng, bình ga ra để đe dọa. Trong lúc lộn xộn, một người dân bị xăng văng vào mặt, gây thương tích.

Còn theo bà Trần Thị Minh, Trưởng xóm 3, thôn Đồng Yên, xã Chân Lý: "Chúng tôi bức xúc vì có đơn vị chỉ được cấp phép khai thác cát ở bãi nổi giữa sông, nhưng cứ tối đến lại đưa phương tiện vào gần bờ để hút cát".

Tổ đặc biệt chốt trực 24/24h canh giữ sông

Theo ông Trần Văn Hoài, tình hình nơi đây chỉ yên bình trở lại khoảng chục ngày nay, khi xuất hiện một chiếc "tàu mẹ" của đơn vị đường thủy đóng quân 24/24h tại ngã ba sông. Cùng đó, đơn vị này cũng điều ca nô thường xuyên đi tuần.

Nói về điều này, ông Đặng Thế Quang, Phó trưởng phòng Pháp chế, Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc (Cục ĐTNĐ Việt Nam) cho biết, các tàu công tác trên thuộc Tổ kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông Hồng. Tổ công tác triển khai từ ngày 1/3, có nhiệm vụ chốt trực, tuần lưu giám sát 24/24h liên tục 3 tháng tại 15km sông Hồng thuộc khu vực ngã ba sông giáp ranh 3 tỉnh để giám sát và xử lý nghiêm các sai phạm hoạt động khai khác cát, sỏi, nạo vét luồng. Thành viên tổ công tác gồm 6 người, chủ yếu là các công chức thanh tra, thanh tra của Chi cục và các đội thanh tra đường thủy, với mục tiêu đưa bằng được các hoạt động khai thác cát, sỏi, nạo vét luồng vào nền nếp.

"Chúng tôi đã dùng máy móc định vị tọa độ, đặt phao giới hạn phạm vi của các mỏ khai thác cát, dự án nạo vét luồng. Kiểm tra thực tế điều kiện phương tiện, nhân lực của đơn vị khai thác, yêu cầu khắc phục các thiếu sót và cam kết không được đưa phương tiện khai thác cát, nạo vét luồng ra ngoài phạm vi giới hạn", ông Quang nói và cho biết, nếu phát hiện vi phạm, lực lượng này sẽ đình chỉ phương tiện. Nếu cố tình tái phạm sẽ đề nghị cơ quan có thẩm quyền rút giấy phép".

Thanh tra viên Nguyễn Tri Phương chia sẻ, tổ công tác dùng thiết bị định vị có thể phát hiện vi phạm từ xa. Các đơn vị khai thác mỏ đặt phao đánh dấu giới hạn khai thác không đúng vị trí cho phép, khai thác lấn chiếm luồng, hành lang an toàn đều có thể bị phát hiện. Hiện cả 5 đơn vị đang khai thác ở đây đều đã ký cam kết chấp hành.

Theo Hồng Xiêm (Báo Giao thông)

Quay lại