Trang chủ

Tin tức, sự kiện

An toàn bến khách, đò ngang vẫn “nóng rực”
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Trong 2 tháng 6 - 7, Cục Đường thủy nội địa VN đã tổ chức 11 đoàn thanh, kiểm tra tại 23 địa phương trên toàn quốc. Nhiều địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý, thậm chí thờ ơ khiến tình hình trật tự ATGT diễn biến phức tạp.

3

Chiếc tàu du lịch vịnh Lan Hạ (Cát Bà) này chuẩn bị xuất phát dù chưa được lực lượng chức năng kiểm tra thực tế trước khi rời bến

Cấp phép bến đò… vô thời hạn

Thực hiện chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa về tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa (ĐTNĐ), trong 2 tháng 6 - 7, Cục Đường thủy nội địa VN đã tổ chức 11 đoàn thanh, kiểm tra tại 23 địa phương trên toàn quốc. Nội dung kiểm tra chủ yếu là việc tuân thủ các điều kiện an toàn cơ bản của bến, phương tiện và người vận hành phương tiện thủy chở khách.

6 tháng đầu năm 2016, lực lượng Thanh tra, Cảng vụ ĐTNĐ trực thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam thực hiện 152 cuộc thanh, kiểm tra và đã phát hiện, xử phạt hơn 3.800 trường hợp vi phạm Luật Giao thông ĐTNĐ. Trong đó, đình chỉ hoạt động 367 bến thủy, 227 phương tiện vi phạm lỗi nguy hiểm. Cũng trong 6 tháng, toàn quốc xảy ra 50 vụ TNGT đường thủy, làm chết 28 người, 5 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước tăng 3 vụ, giảm 13 người chết, số người bị thương không tăng. Bên cạnh đó, thời gian qua cũng xảy ra một số vụ phương tiện đâm va gây hư hại nghiêm trọng công trình cầu vượt sông như: Cầu Ghềnh, cầu An Thái…

Đợt kiểm tra vừa qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử phạt 72 trường hợp vi phạm, với số tiền hơn 110 triệu đồng. Tổng hợp tình hình từ 11 đoàn kiểm tra của Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng cho thấy, ở cả khu vực phía Bắc và phía Nam nổi lên tình trạng phương tiện chở khách không trang bị đủ phao cứu sinh, người lái phương tiện không mang theo giấy tờ, nhiều bến hoạt động không có giấy phép. Thậm chí, có trường hợp bến được cấp phép vô thời hạn nhưng thiếu sự kiểm soát hoạt động vận tải.

Tại bến đò thôn Đống Cao trên sông Cầu (xã Tư Mại, Yên Dũng, Bắc Giang), ông Cao Văn Vịnh, hành khách phản ánh: "Nhà đò có phao cứu sinh, nhưng chẳng khi nào đưa cho khách dùng, chỉ khi có người đến kiểm tra mới mang ra".

Không chỉ đò ngang, sự lộn xộn trong hoạt động vận tải khách du lịch, theo tuyến cố định hoặc nhà bè nổi vẫn khá phổ biến như: Tại sông Hương (Thừa Thiên - Huế), vịnh Cát Bà (Hải Phòng), hồ thủy điện Thác Bà (Tuyên Quang), suối Yến (Hà Nội)… cho thấy nguy cơ gia tăng TNGT đường thủy.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Trưởng phòng Vận tải - ATGT (Cục ĐTNĐ Việt Nam) cho biết, theo quy định bến khách ngang sông được cấp phép có thời hạn. Tuy nhiên, phổ biến Sở GTVT địa phương cấp phép không thời hạn.

Địa phương ít quan tâm

Một vấn đề đáng báo động khác được các đoàn kiểm tra ghi nhận là còn khá nhiều bến thủy (trên tuyến đường thủy quốc gia và địa phương) bốc xếp hàng hóa hoạt động không phép. Đây cũng là nơi dung túng các phương tiện thủy không đủ điều kiện an toàn nhưng vẫn tham gia giao thông.

Trao đổi với Báo Giao thông, Phó cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Trần Văn Thọ cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, Cục đã ban hành 55 văn bản đôn đốc các Ban ATGT, Sở GTVT địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo đảm trật tự ATGT đường thủy. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm. Cũng theo ông Thọ, Cục ĐTNĐ VN đã hai lần có văn bản đề nghị Sở GTVT các địa phương thống kê, gửi danh sách các bến thủy, nhà bè nổi trên địa bàn, nhưng đến nay rất ít địa phương phản hồi.

"Tại nhiều địa phương đang xảy ra tình trạng doanh nghiệp, người dân mong muốn được hoàn thiện thủ tục về giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, nhưng do địa phương chưa có quy hoạch nên không cấp lại hoặc không cấp mới. Trong khi đó, có những bến được xác định không đủ điều kiện an toàn, không đủ điều kiện cấp phép cũng không cưỡng chế, giải tỏa", ông Thọ cho biết thêm.

Hồng Xiêm

Quay lại

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang online: 185
Tổng số truy cập: 15626888