Trang chủ

Tin tức, sự kiện

Cục ĐTNĐ Việt Nam đối thoại với các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải thủy nội địa
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Với mục tiêu tăng cường trao đổi chính sách giữa cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội, doanh nghiệp, tìm kiếm giải pháp thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa đồng thời tổng kết tình hình thực hiện Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg ngày 05/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển vận tải thủy nội địa, tiến tới xây dựng Quyết định của Thủ tướng thay thế Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg, ngày 29/5/2020, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị đối thoại với các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải thủy nội địa năm 2020. Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Bùi Thiên Thu chủ trì Hội nghị. Hơn 70 đại biểu từ 30 cơ quan, đơn vị gồm: đại diện các đơn vị thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam, một số đơn vị thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, sở giao thông vận tải một số địa phương, các hiệp hội, hội, doanh nghiệp quản lý cảng, doanh nghiệp quản lý bảo trì đường thủy nội địa khu vực phía Nam, các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp vận tải thủy nội địa trên phạm vi cả nước… đã tham dự Hội nghị. Đại biểu Cục ĐTNĐ Việt Nam có Phó Cục trưởng Phan Văn Duy, đại diện lãnh đạo các phòng QLKCHT, VT& ATGT và Văn phòng Cục.

Tại Hội nghị, sau khi nghe đại diện Phòng VT&ATGT - Cục ĐTNĐ Việt Nam trình bày Báo cáo về giải pháp thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa, các đại biểu tham dự đã thẳng thắn, trách nhiệm đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất với phần phát biểu của gần 20 đại diện doanh nghiệp, hiệp hội. Ý kiến của các đại biểu tập trung vào các nhóm vấn đề: công tác quy hoạch; đầu tư KCHT; thủ tục hành chính; thuế, phí, trong đó có các ý kiến liên quan đến phí, lệ phí hàng hải; quản lý giá dịch vụ… Đại diện các cơ quan quản lý nhà nước có mặt đã trao đổi, làm rõ một số nội dung ngay tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Bùi Thiên Thu nhấn mạnh, đối thoại với các doanh nghiệp, hiệp hội là cơ hội để Cục ĐTNĐ Việt Nam nắm bắt thông tin để tiếp tục hoàn thiện chính sách quản lý nhà nước chuyên ngành, thúc đẩy sự phát triển của hoạt động vận tải thủy nội địa. Trong thời gian tới, Cục ĐTNĐ Việt Nam tiếp tục nghiên cứu các phương thức trao đổi mới, các diễn đàn mới, tạo các kênh thuận lợi cho các doanh nghiệp trình bày ý kiến với các cơ quan quản lý nhà nước, tăng cường đối thoại chính sách giữa cơ quan quản lý nhà nước với các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải thủy. Cục trưởng Bùi Thiên Thu cũng đề nghị các hội, hiệp hội liên quan cần thể hiện vai trò mạnh mẽ hơn nữa, tìm tiếng nói chung cho các doanh nghiệp, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Cục ĐTNĐ Việt Nam sẵn sàng tham gia ý kiến, ủng hộ việc nâng cao hơn nữa vai trò của các hiệp hội, trong đó bao gồm việc hình thành mới các hợp tác xã vận tải thủy, các chi hội vận tải thủy...

Với những vướng mắc về các thủ tục hành chính đã được các doanh nghiệp nêu ra, Cục trưởng giao nhiệm vụ các phòng tham mưu, các đơn vị khi xây dựng dự thảo VBQPPL cần lưu ý công tác cải cách thủ tục hành chính. Để đạt được điều này, trong quá trình xây dựng các phòng cần có sự kết nối, lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đường thủy nội địa. Để giải quyết một số vướng mắc đã nêu, giao các đơn vị thuộc Cục chịu trách nhiệm xử lý một số vấn đề thuộc thầm quyền giải quyết của Cục ĐTNĐ Việt Nam; với những vấn đề ngoài thẩm quyền Cục ĐTNĐ Việt Nam, có văn bản với các cơ quan nhà nước có liên quan đề nghị xử lý.

Về kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, trong những năm qua nhà nước đã có chính sách quan tâm đầu tư lĩnh vực này. Trong thời gian tới, hoạt động đầu tư cần tiếp tục bảo đảm có trọng điểm, góp phần giải quyết các "nút thắt" về kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển giao thông vận tải thủy nội địa. Để giải quyết vấn đề này, Cục đã dự kiến đề xuất đưa danh mục kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025 một số dự án trọng điểm với kỳ vọng, khi dự án được triển khai sẽ tháo gỡ một phần các vướng mắc về kết cấu hạ tầng, giải phóng năng lực vận tải thủy nội địa nước nhà.

Về phát triển vận tải thủy nội địa cần quan tâm một số định hướng như sau:

Tiếp tục phát triển vận tải pha sông biển. Hoạt động vận tải ven biển đã tận dụng được lợi thế tự nhiên quốc gia phục vụ cho hoạt động giao thông vận tải, đồng thời góp phần giảm tải cho đường bộ. Hiện nay số lượng tàu tham gia vận tải ven biển nhiều, nhiều phương tiện có tải trọng lớn, sản lượng vận tải ven biển tăng trưởng nhanh chóng, tuy nhiên, đã xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp tham gia.

Thúc đẩy phát triển vận tải container bằng vận tải thủy. Để triển khai điều này đòi hỏi hệ thống đồng bộ các giải pháp về định hướng đầu tư phương tiện thủy, nạo vét duy tu luồng, giải quyết các nút thắt về KCTH, nâng cấp hệ thống cảng thủy nội địa, công tác bảo đảm an toàn giao thông…

Xử lý các nút thắt về hạ tầng để nâng cao hiệu quả việc kết nối các phương thức vận tải, chú trọng kết nối giữa vận tải thủy nội địa với đường bộ và hàng hải, phát huy vai trò của các cảng thủy nội địa và ICD (cảng cạn).

Tối đa hóa hiệu quả vận chuyển hàng hóa, đặc biệt vận chuyển hàng hóa bằng container giữa Việt Nam và Campuchia (một trong những điều kiện là phải giải quyết được vướng mắc về thủ tục hành chính tại cửa khẩu biên giới).

Kết thúc Hội nghị, Cục trưởng Bùi Thiên Thu phát biểu, với nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, tiềm năng phát triển giao thông ĐTNĐ của Việt Nam là rất to lớn. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp là phải đồng hành để khai thác, phát huy các tiềm năng giúp doanh nghiệp lớn mạnh, đóng góp cho sự phát triển của vận tải giao thông đường thủy, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước./.

Một số hình ảnh tại Hội nghị

Văn phòng Cục

Quay lại

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang online: 260
Tổng số truy cập: 15864956