Trang chủ

Tin tức, sự kiện

Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Hiệp định vận tải thuỷ Việt Nam - Campuchia
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chủ trì tại Hội nghị.

Sáng 11/12, tại TP Cần Thơ, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải thủy.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phan Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, Thực hiện chỉ đạo của TTCP tại chỉ thị số 22/2017/CT-TTg về việc tăng cường kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các cam kết, thỏa thuận quốc tế. Trong đó yêu cầu các cơ quan thường trực có nhiệm vụ, tuyên truyền, phổ biến đến các cơ quan, tổ chức có liên quan các cam kết theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên các thông tin cụ thể, chi tiết, bảo đảm cho địa phương, doanh nghiệp có thể hiểu đúng, vận dụng hiệu quả các cam kết, tận dụng đầy đủ các ưu đãi mà các điều ước quốc tế đó mang lại cũng như hạn chế khó khăn phát sinh.

Với nhiệm vụ là cơ quan thường trực Hiệp định, Cục ĐTNĐ tổ chức HN tuyên truyền phổ biến thực hiện HD VN-CPC về vận tải thủy để các doanh nghiệp hoạt động tuyến vận tải thủy Hiệp định cũng như các cơ quan QLNN tại địa phương các tỉnh phạm vi tuyến năm bắt được các quy định các ưu đãi về tự do giao thông thủy được 02 Chính phủ dành cho tuyến vận tải này.

Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải thủy, ký tại Phnôm Pênh ngày 17/12/2009, có hiệu lực kể từ ngày 20/01/2011. Mục đích của Hiệp định là thiết lập khung pháp lý cho việc thực hiện tự do giao thông thủy có hiệu quả trên Hệ thống sông Mê Công, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao thông thủy quá cảnh và qua biên giới hàng hoá và hành khách trên các tuyến đường thủy quy định.

Một trong những văn kiện pháp lý quan trọng được các nhà Lãnh đạo hai nước quan tâm giao hai Chính phủ rà soát, sửa đổi chuẩn bị cho các hoạt động cấp cao năm 2018, 2019 là Hiệp định vận tải thuỷ Việt Nam - Campuchia. Với sự chủ trì của Bộ Giao thông vận tải cùng sự đóng góp của các bộ, ngành đơn vi liên quan trong việc rà soát, dự thảo nội dung cũng như thực tế triển khai thực hiện Hiệp định, ngày 26/2/2019 nhân chuyến thăm cấp nhà nước Campuchia của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Phụ lục sửa đổi Điều 6 và Điều 17 của Hiệp định đã được ký kết. Theo đó, các tàu hoạt động xuyên biên giới giữa Việt Nam và Campuchia sẽ phải đi qua 02 cặp cửa khẩu là Vĩnh Xương hoặc Thường Phước phía Việt Nam và Kaom Samnor hoặc Koh Roka phía Campuchia; Đối với thủ tục một điểm dừng sẽ được các cơ quan chức năng của Việt Nam tiến hành tại cửa khẩu Vĩnh Xương hoặc Thường Phước. Nhờ việc ký kết Phụ lục này các phuơng tiện làm thủ tục xuất nhập cảnh sẽ được phép làm thủ tục xuất nhập cảnh tại 02 cửa khẩu của phía Bạn thay cho 01 cửa khẩu (Kaom Samnor) trước đây, giảm thời gian chờ đợi cho các phương tiện.

Trong 10 năm qua, hai nước đã làm thủ tục cho gần 73 nghìn lượt phương tiện, hơn 397 nghìn lượt thuyền viên, hàng chục triệu tấn hàng hóa và gần 1,3 triệu lượt hành khách, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trên tuyến lần lượt là 605 triệu USD và 66 triệu USD. Không chỉ góp phần gia tăng sự kết nối giao thương, khơi thông vận tải tại đồng bằng sông Cửu Long, tuyến vận tải thuỷ Việt Nam- Campuchia còn đóng vai trò quan trọng trong kết nối, gom hàng cho các tàu đến cảng Tp. Hồ Chí Minh và đặc biệt là cụm cảng biển nước sâu Cái Mép-Thị Vải với đà tăng trưởng từ 15-20% hàng năm, năm 2019 là gần 5 triệu tấn, đạt mức 300.000 TEU. Chỉ tính riêng hàng container quá cảnh chúng ta thu về cho đất nước 100 triệu USD/năm và 15 triệu USD phí bốc dỡ, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, tăng cường các sáng kiến thúc đẩy các mối quan hệ thương mại và hợp tác quốc tế trên cơ sở bình đẳng và đôi bên cùng có lợi.

Ông Phan Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp vận tải đã nêu lên những khó khăn, bất cập phần lớn tập trung vào các vấn đề liên quan đến việc thủ tục hải quan, các loại phí và lệ phí, làm thủ tục, giấy tờ tại khu vực cửa khẩu thủ tục đối với hàng hóa quá cảnh, phải thay đổi thủy thủ tại khu vực cửa khẩu giữa hai nước do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn đến chi phí phát sinh lớn, tình trạng hàng hóa ách tắc, thời gian thông quan kéo dài tại các cửa khẩu, phí cơ sở hạ tầng chuẩn bị áp dụng cho hàng quá cạnh tại TP.HCM, hay thời gian di chuyển trên luồng sông Hậu, sông Tiền kéo dài do ảnh hưởng bởi luồng hẹp, nông,…

Cảng Cái Cui

Đại diện Bộ GTVT, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực III, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV, Hải quan, Sở GTVT địa phương,… cũng đã ghi nhận các khó khăn, đồng thời giải đáp một phần các kiến nghị của các doanh nghiệp.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam bày tỏ sự chia sẻ đối với các khó khăn của doanh nghiệp. Đối với những ý kiến thuộc thẩm quyền xử lý, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam sẽ có văn bản trả lời cho các đơn vị, các ý kiến khác sẽ được tổng hợp, tiếp thu và đề xuất với Bộ GTVT để tháo gỡ.

Phòng KHCN-HTQT&MT

 

Quay lại

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang online: 222
Tổng số truy cập: 16356383