Trang chủ

Tin tức, sự kiện

Người đi đò không mặc áo phao, nên phạt cả chủ đò
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Dù quy định từ 1/7, lực lượng chức năng xử phạt người đi đò không mặc áo phao, nhưng đến nay, tại TP.HCM, rất khó xử phạt vi phạm này.

12

Mùa mưa bão, nước chảy xiết nhưng hành khách qua bến đò Bình Quới không ai mặc áo phao - Ảnh: Đỗ Loan

Khách từ chối áo phao, chủ đò bất lực

Ngày 2/8, PV Báo Giao thông có mặt tại bến đò Bình Quới (nối quận Thủ Đức sang quận Bình Thạnh) cho thấy khúc sông khá rộng, nước chảy xiết, nhưng người dân qua bến đò không một ai mặc áo phao. Chủ đò mang đến tận tay từng người dụng cụ nổi, phao cứu sinh nhưng chỉ một vài người cầm, còn lại đều lắc đầu từ chối.

Chị Nguyễn Thị Út (trú đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức) cho biết, người dân phường Linh Chiểu, Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) thường sử dụng đò Bình Quới để đi tắt sang Thanh Đa, quận Bình Thạnh cho gần. Chưa đầy 2 phút là đò đã sang bờ bên kia, nên chả ai buồn mặc áo phao. Có hôm mưa to gió bão, chủ đò nhắc mãi họ mới chịu mặc. "Có lần, tôi lên đò tự với tay lấy chiếc áo phao treo thành phà để mặc thì thấy cả phà tròn mắt nhìn", chị Út nói.

Theo Thanh tra Sở GTVT TP HCM, thành phố hiện còn 32 bến đò ngang qua sông giúp người dân rút ngắn quãng đường đi rất nhiều thay vì phải đi vòng đường bộ. Tuy nhiên, trên thực tế phần lớn những chuyến đò này vẫn chưa đảm bảo ATGT đường thủy như chở quá tải, bến bãi chưa đảm bảo an toàn, người đi đò không mặc áo phao…

Anh Thanh, nhân viên phục vụ tại bến đò Bình Quới than thở: "Mỗi ngày khoảng 100 chuyến đò qua lại, mỗi chuyến chúng tôi đều cầm dụng cụ nổi đưa tận tay hành khách nhưng nhiều người lắc đầu. Huống hồ là áo phao treo ở thành phà, mặc nóng, mất thời gian, chẳng ai ngó ngàng".

Tương tự, tại bến đò An Phú Đông (nối quận Gò Vấp với quận 12), ông Nguyễn Thanh Hòa, chủ bến đò cho biết, bến đò phục vụ hành khách bắt đầu từ 3h sáng đến 23 giờ đêm, trung bình mỗi ngày có từ 6 - 7 nghìn lượt khách qua lại. Thế nhưng, rất hiếm người dân nào tự mặc áo phao an toàn cho chính mình. Nhân viên phải nhắc nhở, thậm chí đem áo phao đến tận tay khách cũng chỉ cầm hoặc treo vào tay xe cho có lệ rồi trả lại. "Khách xuống đò rồi, không lẽ lại bắt khách không mặc áo phao thì lên đò", ông Hòa băn khoăn.

Có nên xử phạt chủ đò?

Ông Nguyễn Bật Hận, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT TP HCM cho biết, từ đầu năm đến nay Thanh tra Sở đã xử lý 14 trường hợp vi phạm tại bến khách ngang sông và bến đưa rước khách với số tiền 8,370 triệu đồng. Trong đó, các lỗi vi phạm như chở quá số người quy định, không hướng dẫn hành khách sử dụng thiết bị an toàn… Để xử lý hành khách không mặc áo phao khi đi đò, ông Hận cho rằng, trách nhiệm không chỉ lực lượng thanh tra, CSĐT mà các quận, huyện cần tăng cường phối hợp hoặc chủ động kiểm tra bến khách ngang sông trên địa bàn trực tiếp quản lý.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phan Văn Mẫn, Đội trưởng Đội 2 Phòng CSGT Đường thủy, Công an TP HCM cho biết, xử phạt trên đường thủy khó khăn hơn đường bộ, do đoạn đường trên sông rất ngắn có khi chưa tới 2 phút là đò đã cập bờ bên kia. Trong khi đó, không thể phạt người không mặc áo phao như phạt người đi đường không đội MBH, bởi người đi xe máy không MBH thì có thể tạm giữ phương tiện, GPLX, đăng ký xe. "Nếu phát hiện sai phạm phải chờ phà cập bến mới được xử lý, và khi vừa cập bờ thì người dân đã đi trên đường rồi, nên rất khó xử lý", ông Mẫn thông tin.

Theo ông Mẫn, cách tốt nhất để buộc người đi đò mặc áo phao, là chủ đò phải kiên quyết không cho phương tiện rời bến khi có hành khách chưa mặc áo phao, ngoài ra phải buộc người không mặc áo phao lên bờ. Nếu vì kinh doanh lợi nhuận, chủ đò không thực hiện thì áp dụng mức phạt không chấp hành quy định nhắc nhở hướng dẫn hành khách mặc áo phao. 

Đỗ Loan

Quay lại

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang online: 185
Tổng số truy cập: 15626320