Trang chủ

Tin tức, sự kiện

Vì sao ít tàu làm thủ tục vào bến qua tin nhắn?
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Sau gần một tháng triển khai thí điểm, chỉ ít phương tiện thủy xin phép vào cảng bến bằng cách nhắn tin điện thoại từ xa cho dù hình thức cấp phép này được cho là sẽ giảm bớt thủ tục phiền hà cho doanh nghiệp vận tải đường thủy.

15

Cảng vụ viên kiểm tra điều kiện thực tế phương tiện thủy

Thuyền viên chưa mặn mà

Từ 20/8/2016, các đại diện cảng vụ đường thủy nội địa (ĐTNĐ) trực thuộc bốn Cảng vụ ĐTNĐ T.Ư trên toàn quốc bắt đầu thí điểm triển khai cấp phép cho phương tiện thủy vào cảng, bến thủy thông qua tin nhắn điện thoại (trừ cảng, bến khách du lịch và phục vụ nhà máy đường). Theo đó, người thực hiện thủ tục đăng ký với đại diện cảng vụ số điện thoại dùng để nhắn tin và nộp bản sao giấy tờ của phương tiện, thuyền viên. Trước khi vào hoặc rời cảng, bến (từ 30 - 60 phút), thuyền viên chỉ cần nhắn tin đến tổng đài điện thoại, sau đó tổng đài sẽ chuyển tin nhắn đến đại diện cảng vụ để được xác nhận (đồng ý hoặc không đồng ý) cho vào, mà sau đó không cần xuất trình giấy tờ. Hình thức này nhằm giúp phương tiện không phải neo đậu ngoài cảng, bến, thuyền viên giảm chi phí đi lại và thời gian.

"Do điều kiện thực tế sông nước, vùng miền khác nhau nên trình độ nhận thức của thuyền viên không đồng đều, có chủ phương tiện thích, có người thấy hơi khó là phàn nàn. Cách thức triển khai của đơn vị là lựa chọn những doanh nghiệp, phương tiện có trọng tải từ vài trăm tấn trở lên để làm trước, rút kinh nghiệm. Đơn vị giao chỉ tiêu cho các đại diện cảng vụ trực thuộc đến cuối năm 2016 phải đạt 20 - 30% phương tiện làm thủ tục từ xa".

Ông Cao Tấn Quân
Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực IV

Sẽ không có gì đáng nói nếu không có chuyện hình thức cấp phép từ xa này vốn được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp lại không được các doanh nghiệp, thuyền viên mặn mà.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, thuyền trưởng Trương Văn Quốc, tàu chở hàng BN- 1186, thuyền trưởng Nguyễn Trọng Vui, tàu HD-1384 cho biết, đã được tuyên truyền, hướng dẫn về cách thức nhắn tin nhưng ngại vì nội dung tin nhắn hơi phức tạp, phải chính xác cả tên đại diện cảng vụ, cảng bến định vào, thời gian.

"Từ trước đến nay, chúng tôi chỉ cần gọi điện cho chủ bến, nếu vào được là đưa tàu vào rồi mới làm thủ tục cảng vụ. Việc nhắn tin phải chính xác từng chữ, lại thêm cả thời gian định vào nên khá phức tạp", thuyền trưởng Vui cho biết. Đây cũng là tâm lý chung của nhiều thuyền viên nên đến nay số trường hợp đăng ký làm thủ tục cấp phép vào bến bằng tin nhắn không nhiều.

Ông Đậu Xuân Thủy, Phó giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I (Hải Phòng) cho biết: "Các đại diện cảng vụ trực thuộc đang tích cực triển khai tuyên truyền, gửi văn bản hướng dẫn đến các doanh nghiệp, cá nhân vận tải thủy, cảng bến nhưng mới chỉ có một số trường hợp đăng ký làm thủ tục bằng tin nhắn". Tương tự, ông Cao Tấn Quân, Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực IV (Cần Thơ) thông tin: Tới nay, chỉ có vài chục trường hợp thực hiện thủ tục bằng tin nhắn. "Lý do chưa nhiều phương tiện thực hiện theo hình thức trên bởi trong thời gian dài các thuyền viên quen với việc thực hiện thủ công, nên áp dụng theo hình thức mới sẽ bỡ ngỡ, nhất là phương tiện nhỏ. Mặt khác cũng do trình độ, nhận thức của thuyền viên không đồng đều, có gì hơi khó lại ngại, nên cần thời gian để vận động, hướng dẫn", ông Quân cho biết.

Cần linh hoạt hơn

Theo Cục ĐTNĐ Việt Nam đến nay, ước tính mới có khoảng 300 trường hợp phương tiện thủy thực hiện nhắn tin làm thủ tục vào cảng, bến. Đây là con số khá ít so với tổng lưu lượng vận tải thủy hiện nay trên toàn quốc.

Lãnh đạo Cục này cho biết, sở dĩ thực hiện thí điểm cấp phép bằng tin nhắn nhằm giúp phương tiện được phép vào bến rồi mới phải làm thủ tục cảng vụ thay vì ngược lại. Điều này cũng giúp phương tiện tránh bị xử phạt nếu cho tàu vào bến mà chưa có sự đồng ý của cảng vụ.

Tuy nhiên, quy định như vậy nhưng trên thực tế tại phía Bắc, khá phổ biến việc tàu thuyền vào bến rồi mới làm thủ tục. Cơ quan cảng vụ cũng thông cảm với điều kiện thực tế sông nước nên chấp nhận việc này.

"Nhiều khi họ nói chỉ vào chào hàng, nếu không có người mua hàng lại đi bến khác. Vì thế, khi vận động nhắn tin họ đề nghị gọi điện thoại thông báo cho nhanh. Có thuyền viên cho biết để nhắn tin đúng cũng rất khó", trưởng đại diện một cảng vụ thuộc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II (đề nghị không nêu tên) cho biết. Cũng theo vị đại diện nói trên, việc nhắn tin nhằm mục đích thông báo, còn sau đó vẫn phải kiểm tra các điều kiện an toàn thực tế của phương tiện, nên có thể linh hoạt hơn các hình thức đề nghị cấp phép như gọi điện thoại trực tiếp cho đại diện cảng vụ hoặc gửi email, còn đối với tin nhắn nội dung cần đơn giản hơn…

Ông Văn Trọng Dũng, Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I cho biết, trước đây đơn vị đã từng thí điểm xây dựng phần mềm cấp phép bằng tin nhắn, cho phép người làm thủ tục nhắn tin hoặc gửi email cho tổ cảng vụ trực tiếp quản lý cảng, bến. Tổ cảng vụ đó tra cứu dữ liệu phương tiện, thuyền viên trên máy tính và đồng ý cho vào. Sau đó, hậu kiểm xem có như khai báo từ xa hay không… So với cách thức nhắn tin đang thí điểm, nội dung tin nhắn mà đơn vị từng thí điểm cũng đơn giản hơn và không phải đi qua tổng đài, rồi trao đổi qua lại giữa đại diện với tổng đài trước khi cấp phép cho phương tiện.

Theo Báo Giao thông

 

Quay lại

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang online: 1385
Tổng số truy cập: 15848458