Trang chủ

Tin tức

Cục ĐTNĐ Việt Nam tích cực xử lý kiến nghị của doanh nghiệp sau Hội nghị đối thoại với các hiệp hội và doanh nghiệp vận tải thủy nội địa
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Ngày 29/5/2020, tại thành phố Hồ Chí Minh, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã phối hợp với Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp, hiệp hội vận tải thủy nội địa năm 2020. Tại Hội nghị, Cục đã nhận được nhiều kiến nghị, đề xuất về các giải pháp phát triển vận tải thủy nội địa, vận tải ven biển của các doanh nghiệp, hiệp hội.

Vừa qua, trong quá trình xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa, vận tải ven biển để báo cáo Bộ Giao thông vận tải  trình Thủ tướng Chính phủ, một số đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội đã được Cục nghiên cứu, tiếp thu đưa vào vào dự thảo Chỉ thị, gồm:

Bổ sung các quy định để phương tiện thủy nội địa chỉ phải đóng phí tải trọng một lần khi vào khu vực cảng có 2 vùng nước hàng hải và đường thủy nội địa trong cùng một chuyến đi.

Ưu tiên kết nối đường thủy nội địa với cảng biển trên cơ sở đầu tư xây dựng bến thủy nội địa, bến phao neo trong vùng nước cảng biển (Hải Phòng, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, khu vực Gò Gia, cụm cảng Cát Lái…) để cho phương tiện thủy nội địa chờ làm hàng, bốc xếp hàng hóa.

Nghiên cứu, rà soát để cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách để thực hiện các dự án tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về hạ tầng giao thông đường thủy, ưu tiên cho các dự án, gồm: cải tạo nâng cấp hành lang Hải Phòng - Ninh Bình; nâng cấp cầu Đuống, cầu Măng Thít, cầu Nàng Hai, cầu Rạch Ông, cầu An Long, cầu Hồng Ngự, cầu Trà Ôn, cầu Chợ Lách cũ, cầu Ô Môn, cầu Thới Lai, cầu Vàm Xáng Thị Đội, cầu Đồng Nai cũ, cầu Hóa An, cầu Bình Triệu, cầu Cái Sắn, cầu Rạch Sỏi 2, cầu Giá Rai….); triển khai Dự án Nâng cấp tuyến vận tải thủy huyết mạch kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2); triển khai dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam…

Kêu gọi đầu tư các cảng thủy nội địa container đầu mối (phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long) với cơ sở vật chất, trang thiết bị bốc xếp hiện đại, năng suất cao và hệ thống kho bãi đồng bộ nhằm phát triển vận tải container đường thủy nội địa kết nối từ cảng đầu mối đến cửa ngõ quốc tế, từ các khu vực hậu phương, vùng hàng hóa tập trung.

Xem xét thay đổi thời gian làm việc tại cửa khẩu đường thủy Vĩnh Xương - An Giang và Thường Phước - Đồng Tháp đến 22 giờ 00 hàng ngày, tiến tới thực hiện thủ tục 24/24 tạo điều kiện thuận lợi phát triển vận tải thủy Việt Nam - Campuchia.

Công bố, quản lý các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo, giữa các đảo có tiềm năng khai thác vận tải (tuyến Cửa Tùng – đảo Cồn Cỏ, Đà Nẵng – Lý Sơn và kênh Năm Ô Rô – Hòn Khoai).

Đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét quyết định những ưu đãi về thuế, phí, lệ phí để tạo thuận lợi cho hoạt giao thông đường thủy nội địa; xem xét miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam làm việc trên phương tiện thủy nội địa;

Miễn phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu được vận chuyển bằng đường thủy nội địa.

Bên cạnh các nội dung nêu trên, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan có thẩm quyền, nghiên cứu, rà soát, xử lý một số đề xuất, kiến nghị đã ghi nhận tại Hội nghị, cụ thể:

Chính sách miễn, giảm phí trọng tải, phí bảo đảm hàng hải cho các tàu có GT nhỏ hơn 50.000, tàu feeder, sà lan trong thời gian tới để thu hút các phương tiện trung chuyển hàng container tới cảng tại khu vực Cái Mép – Thị Vải; giảm giá hoa tiêu và giá sàn lai dắt cho chủ tàu Việt Nam; quy định một tuyến dẫn tàu phải có ít nhất 2 công ty hoa tiêu để lựa chọn, tránh tình trạng độc quyền; áp dụng khoán phí trọng tải cho các đơn vị vận chuyển chuyên tuyến giống như phí đường bộ; nới rộng các trường hợp không bắt buộc sử dụng tàu lai như: cỡ tàu dưới 5.000 GT, chiều dài tàu dưới 100m thay vì dưới 80m như hiện nay;

Quy hoạch tuyến Mương Khai – Đốc Phủ Hiền kết nối giữa sông Hậu và sông Tiền cho sà lan 72 teus/2.500 tấn;

Quy định việc lập sổ nhật ký phương tiện (gồm Nhật ký máy và Nhật ký hành trình) đối với phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần từ 500 tấn trở lên (hiện nay là 250 tấn, không phù hợp với thực tế);

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác cấp phép cho tàu, thuyền, sà lan cập rời cảng, bến thủy nội địa qua mạng;

Bổ sung quy định về nạo vét duy tu đột xuất vùng nước cảng, bến thủy nội địa để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cảng, bến cải tạo vùng nước trước cảng, bến;

Bổ sung khung pháp lý tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu (đặc biệt là container cho các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu, khu chế xuất) đi thẳng về các ICD/cảng thủy nội địa không phải làm thủ tục Hải quan chuyển cảng;

Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền có quy định khoảng cách tối thiểu để đặt các trạm kiểm tra kiểm soát của Cảnh sát giao thông trên các tuyến thủy nội địa (hiện nay các  trạm kiểm tra quá dày, khoảng cách chưa đến 20km).

Thời gian tới, trong quá trình tổng kết, đánh giá Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg ngày 05/10/2015 của Thủ tưởng Chính phủ về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa, Cục ĐTNĐ Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội tiếp tục quan tâm, đồng hành xây dựng, hoàn thiện chính sách, bảo đảm các cơ chế chính sách khi được ban hành sát với thực tiễn, góp phần tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phòng Vận tải & An toàn giao thông

Quay lại

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang online: 195
Tổng số truy cập: 15858657