Trang chủ

Tin tức

Nghị định 08/2021/NĐ-CP của Chính phủ - hành lang pháp lý quan trọng trong phát triển giao thông ĐTNĐ
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Giao thông vận tải đường thủy nội địa là phương thức vận tải có nhiều ưu việt, vận tải số lượng hàng hóa lớn, hàng siêu trường, siêu trọng, giá thành thấp, ít gây ô nhiễm môi trường và đặc biệt, phù hợp với các điều kiện tự nhiên của nước ta (Việt Nam có hệ thống 3.551 sông, kênh với tổng chiều dài 80.577 km, 3.260km bờ biển, 124 cửa sông ra biển là nguồn tài nguyên lớn để khai thác vận tải thuỷ). Mặc dù, những năm qua, vận tải thủy nội địa có tăng trưởng từ 6% đến 8%/năm, nhưng đóng góp của lĩnh vực ĐTNĐ cho hoạt động GTVT vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh riêng có của hệ thống sông, kênh. Hoạt động quản lý đầu tư xây dựng, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa còn có những bất cập, việc thực thiện, tuân thủ pháp luật về giao thông đường thủy còn hạn chế.

Để tiếp tục kiện toàn các quy định pháp luật lĩnh vực đường thủy nội địa, thúc đẩy phát triển giao thông đường thủy nội địa, ngày 28/01/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2021/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa thống nhất trong phạm vi cả nước. Nghị định số 08/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2021, đây là văn bản QPPL chuyên ngành quan trọng trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, quy định chung về quản lý kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, trong đó, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ hiệu lực của nhiều Thông tư như: Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT ngày 17/10/2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa; Thông tư số 57/2013/TT-BGTVT ngày 27/12/2013 của Bộ Giao thông vận tải quy định về bảo đảm an ninh tại cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài; Thông tư số 61/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định tiêu chí phân loại cảng thủy nội địa và công bố danh mục cảng thủy nội địa; Thông tư số 15/2016/TT-BGTVT ngày 30/6/2015 của Bộ Giao thông vận tải về quản lý đường thủy nội địa và Thông tư số 19/2016/TT-BGTVT ngày 30/6/2016 của Bộ Giao thông vận tải về quy định khảo sát luồng phục vụ quản lý và thông báo luồng đường thủy nội địa.

Với kết cấu gồm 7 Chương, 70 Điều, Nghị định số 08/2021/NĐ-CP đã quy định cụ thể về quản lý hoạt động đường thủy nội địa bao gồm: Quản lý đầu tư xây dựng và khai thác luồng đường thủy nội địa; quản lý đầu tư xây dựng và hoạt động của cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu; quản lý báo hiệu và các công trình khác thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; quản lý đầu tư xây dựng công trình không thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trên đường thủy nội địa; bảo đảm an toàn, an ninh, bảo vệ môi trường trong hoạt động đường thủy nội địa; thủ tục phương tiện vào, rời cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu; trách nhiệm tổ chức quản lý hoạt động đường thủy nội địa.

Nghị định số 08/2021/NĐ-CP đã có nhiều thay đổi trong việc quy định theo hướng tận dụng tối đa các nguồn lực thúc đẩy sự phát triển của hoạt động giao thông đường thủy nội địa, trong đó, phải kể đến, các quy định liên quan đến việc đầu tư xây dựng, khai thác bảo trì, bảo vệ luồng đường thủy nội địa, bổ sung quy định về chuyển đổi luồng (chuyển đổi luồng địa phương, luồng chuyên dùng thành luồng quốc gia và luồng quốc gia thành luồng địa phương; chuyển đổi luồng chuyên dùng thành luồng địa phương, luồng địa phương thành luồng chuyên dùng), quy định cụ thể các trường hợp đóng luồng; bổ sung các quy định về khu neo đậu nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay, đối với bến thủy nội địa, nhằm tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp, Nghị định đã phân tách các công trình bến thủy nội địa phục vụ công trình chính, bến khách ngang sông ra thành các thủ tục riêng, nhằm đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến việc xây dựng, quản lý, khai thác loại hình bến này; hoạt động quản lý nhà nước chuyên ngành tại các cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu cũng được Nghị định quy định chi tiết, hiện đại hóa, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành; đồng thời, Nghị định cũng có sự phân định trách nhiệm cụ thể giữa các cơ quan, đơn vị, các cấp hành chính trong việc quản lý hoạt động đường thủy nội địa ở trung ương và địa phương.

Nghị định số 08/2021/NĐ-CP có ý nghĩa quan trọng trọng việc thúc đẩy sự phát triển của hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, góp phần nâng cao thị phần vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành đã ban hành trong thời gian qua; bãi bỏ những quy định là rào cản sản xuất, kinh doanh, hiện đại hóa ngành; giúp người dân, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị dễ tiếp cận, dễ tra cứu quy định về quản lý đường thủy nội địa, từ đó, thực hiện, tuân thủ những quy định của pháp luật có hiệu quả hơn, đồng thời, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông.

Xem và tải Nghị định 08/2021/NĐ-CP tại đây

Phòng Pháp chế Thanh tra

 

Quay lại

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang online: 146
Tổng số truy cập: 16381620