Trang chủ

Tin tức

Phó Cục trưởng Tống Hoàng Kha tham dự Diễn đàn “Hoàn thiện chuỗi dịch vụ Logistics cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long”
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Ngày 26/5/2022, Phó Cục trưởng Tống Hoàng Kha đại diện Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tham dự Diễn đàn "Hoàn thiện chuỗi dịch vụ Logistics cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long" với sự tham gia của đại diện Phòng Vận tải - An toàn giao thông.

Năm 2021, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đóng góp tới 31,37% GDP ngành nông nghiệp của cả nước; trong đó sản lượng lúa chiếm tới 50%, sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm tới 65% và sản lượng trái cây chiếm tới 70%; Đồng thời ĐBSCL cũng đóng góp tới 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu. Với những lợi thế đó, ĐBSCL được xác định là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước. Tuy nhiên, kinh tế ĐBSCL hiện có điểm nghẽn lớn nhất đối với mọi sự phát triển đó chính là hệ thống logistics kết nối tất cả các bên trong toàn bộ chu trình sản xuất tới tiêu dùng. Chi phí logistics tại ĐBSCL đang là gánh nặng đối với năng lực cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất ra tại ĐBSCL; chi phí logistics tại ĐBSCL chiếm tới 30% giá thành sản phẩm. 

Vậy, đâu là nguyên nhân chính của điểm nghẽn này và nguyên nhân xuất phát từ lĩnh vực đường thủy nội địa là gì?

Phó Cục trưởng Tống Hoàng Kha đã nêu ra một số nguyên nhân chính có liên quan đến lĩnh vực đường thủy nội địa như sau:

Thứ nhất: sự phối hợp giữa các cơ quan Trung ương, địa phương trong việc thực hiện Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 7/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh theo hướng phát triển vận tải đa phương thức, kết nối giữa các hình thức vận tải khác nhau, chú trọng áp dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu chi phí vận tải tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp" chưa được chặt chẽ, chưa cụ thể, chưa có chiều sâu;

Thứ hai: quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực đường thủy còn nhiều chồng chéo gây bất lợi cho các nhà đầu tư như:

- Tại Phụ Lục II (nhóm ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư) ban hành kèm theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ có quy định lĩnh vực vận tải và cảng thủy nội địa là nhóm ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư bị khống chế bởi mức vốn đầu tư tối thiểu quá lớn so với ngành (dự án tối thiểu 3.000 tỷ trở lên) đã hạn chế các nguồn vốn đầu tư trong nước và quốc tế;

- Tại Luật Đê điều có quy định các hành vi bị cấm là "Xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều và phạm vi lòng sông …" thì rất khó triển khai đầu tư xây dựng cảng biển, cảng, bến thủy nội địa, cũng như các cơ sở công nghiệp lĩnh vực đường thủy nội địa.

Thứ ba: Phương tiện thủy nội địa hiện tại có trọng tải rất lớn, đặc biệt là phương tiện VR-SB đã và đang được các doanh nghiệp khai thác, đóng mới để hoạt động trên tuyến Bắc - Nam có trọng tải lên đến 21.000 tấn nhưng luồng hàng hải phục vụ cho tàu biển, phương tiện thủy nội địa ra vào khu vực ĐBSCL là rất hạn chế chỉ khoảng 5.000 tấn nên đã hạn chế rất nhiều hoạt động lưu thông hàng hóa, làm tăng giá trị hàng hóa nội địa cũng như xuất khẩu của khu vực ĐBSCL.

Sau đây là một số hình ảnh hoạt động tại Diễn đàn:

 

Quay lại

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang online: 141
Tổng số truy cập: 16377077