Trang chủ

Tin tức

Sông Hồng ký sự - kỳ 10: Ghé thăm làng Vũ Đại
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Ven sông Hồng có biết bao làng quê trù phú, thân thương. Và thật trùng hợp, làng Đại Hoàng - Vũ Đại của nhà văn Nam Cao, nơi có nguyên mẫu của "anh Chí" cũng nằm ven sông Hồng. Một cuộc ghé thăm Vũ Đại với tâm thế từ dòng sông Hồng cũng là một điều hết sức thú vị để thấy dòng sông này bồi đắp cho làng quê đồng bằng Bắc bộ ra sao…

Ngôi làng cạnh ngã ba sông

Từ đò Phú Phúc đã nêu ở bài trước, chúng tôi xuôi bờ tả sông Hồng tìm về làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu (Lý Nhân, Hà Nam) - quê hương của nhà văn Nam Cao. Mảnh đất làng Đại Hoàng như mũi thuyền thẳng tiến ra sông Hồng ở cửa Tuần Vường (nơi hợp lưu giữa sông Châu và sông Hồng). Trong tác phẩm của Nam Cao, người dân nơi đây từng phải chịu cảnh áp bức, "một cổ hai tròng" của thực dân và phong kiến. Nhưng giờ đây, từ trên đê sông Hồng nhìn vào, không còn là làng Vũ Đại nghèo xác xơ như trong tác phẩm Chí Phèo mà là những ngôi nhà cao tầng khang trang san sát nhau, ô tô vun vút trên đường.

Ông Trần Trọng Nhân, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hậu cho biết, tỉnh Hà Nam đã xây dựng kế hoạch phát triển tua du lịchatham quan danh nhân Nam Cao - thăm nhà Bá Kiến, kết hợp du lịch sinh thái làng nghề, ẩm thực.

Khoảnh đất đẹp nhất làng Đại Hoàng quay mặt ra tỉnh lộ 972 là nhà tưởng niệm Nhà văn Nam Cao với hai ao rộng, hàng cau, vườn chuối ngự… Bên trái lối vào nhà tưởng niệm là mộ nhà văn Nam Cao xây bằng đá, gắn di ảnh nhà văn trẻ trung với mái tóc xoã. Phía trước mộ là tấm bia nhỏ bằng bê tông hình cuốn sách mở, một trang đề dòng chữ: "Văn chương không cần đến sự khéo tay, làm theo một cái khuôn mẫu. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo ra cái gì chưa có…", (Đời thừa 1943). Trang còn lại ghi: "Sống đã rồi hãy viết… góp sức vào công việc không nghệ thuật lúc này là chính để sửa soạn cho tôi một nghệ thuật cao hơn…", (Nhật ký ở rừng 1948).

Nhà Bá Kiến

Khu tưởng niệm được giao cho ông Trần Hữu Vịnh, 70 tuổi, là cháu họ nhà văn Nam Cao trông coi. Bên trong khu tưởng niệm là các hiện vật được sắp đặt lại theo bốn mảng: Quê hương và gia đình; Cuộc đời và sự nghiệp; Tìm lại Nam Cao và Những hoạt động tưởng niệm, tôn vinh nhà văn Nam Cao.

Tôi gạn hỏi cái lò gạch cũ xuất hiện đầu tiên trong tác phẩm Chí Phèo, ông Vịnh bảo rằng, nó có thật và không phải là cái lò gạch do Nam Cao tưởng tượng. Dăm chục năm, trước nó vẫn còn nằm bên bến đò sông Châu. Cái lò gạch cũ đó vốn là nơi ở của Chí Phèo được đắp bằng đất và gạch, do án ngữ đường lớn nên đã bị phá vào năm 1962…

Khu tưởng niệm nhà văn Nam Cao

Rồi ông Vịnh bắt đầu giới thiệu rành rọt những câu chuyện về những nhân vật có thật ở làng Đại Hoàng. Đầu tiên là câu chuyện về Chí Phèo ở đời thật. Chí vốn là đứa trẻ bị bỏ rơi ở đường, được một số người nuôi nấng trưởng thành. Khi lớn thì đi làm thuê cho nhà Bá Kiến, lúc thì đi giết lợn thuê cho nhà Trương Pháo. Tính cách cộc cằn, quậy phá của Chí Phèo được Nam Cao mượn thêm số phận của hai người cố cùng khác, những kẻ cũng kế thừa cái lò gạch cũ sau khi Chí bỏ làng đi phu và biệt tích. Rồi Thị Nở được xây dựng từ hai nguyên mẫu trong làng là bà Trần Thị Nở và bà Trần Thị Thìn. Bà Nở là con một ông chuyên đóng cối xay thóc trong làng, bề ngoài xấu xí, tính tình dở hơi, vô tâm và dễ ngủ. Còn bà Thìn mặt ngắn, mũi to, da sần sùi, vừa xấu vừa dở tính nên không lấy được chồng.

Còn Bá Kiến là nhân vật được Nam Cao xây dựng từ nhân vật có thật là Chánh tổng Cao Đà - tên thật là Trần Duy Bính. Ngoài đời thật, cụ Bá không bị Chí đâm chết mà sống đến tận sau năm 1945. Nhà Bá Kiến cách nhà Nam Cao non cây số, giờ vẫn còn nguyên vẹn, đã được Nhà nước mua lại năm 1998 để bảo tồn.

Tua du lịch thăm Nam Cao, Bá Kiến và nếm thử đặc sản sông nước

Từ nhà tưởng niệm Nam Cao, đi khoảng hơn 100m, rẽ trái vào thôn 4 - làng Đại Hoàng, chúng tôi đến thăm nhà Bá Kiến. Dẫn tôi đi, anh Trần Nam Giang, cán bộ văn hóa xã Hòa Hậu liên lạc với người trông coi để mở cửa. Ngôi nhà Bá Kiến tọa lạc trên một khu đất rộng, có màu nâu sẫm, trước cửa là bụi mẫu đơn đỏ. Ngôi nhà có các cột gỗ lim mang đậm kiến trúc xưa của đồng bằng Bắc bộ, mái lợp ngói ta, tường hồi bít đốc. Phía trước có hiên rộng rãi, có những bức dại che nắng mưa. Mặt trước có 3 chuồng cửa bức bàn, mỗi chuồng 4 cánh.

Người trông coi dẫn chúng tôi vào phía trong rồi bắt đầu giới thiệu: "Ban đầu, ngôi nhà là của cụ cựu Hanh, một lái buôn giàu có nổi tiếng. Cụ Hanh đã thuê hơn 20 thợ mộc làm ròng rã gần 1 năm mới xong. Cụ Hanh mất đi, con trai Trần Duy Xầm thừa kế ngôi nhà. Cụ Xầm sau đó để lại cho con là cựu Cát. Là người chơi bời, rượu chè nên cựu Cát thường vay tiền một người trong làng là ngụy viên Bắc Kỳ Trần Bá Bính, đến lúc túng quẫn đã bán lại ngôi nhà này cho Bá Bính. Chủ nhân tiếp theo của ngôi nhà là ông Trần Hữu Hòa. Tháng 11/2007, ngành Văn hóa tỉnh Hà Nam đã mua lại ngôi nhà này với giá 700 triệu đồng từ vợ ông Hoà và giao cho Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Lý Nhân quản lý và trở thành điểm tham quan lý tưởng cho du khách".

Rồi người hướng dẫn khoe với chúng tôi về hai đặc sản "lừng danh" của Đại Hoàng là: Cá kho và chuối ngự. Cả hai đặc sản này đều gắn với đặc trưng sông nước của Đại Hoàng. Chuối ngự thích hợp với dải đất ven sông có rất nhiều ở Đại Hoàng. Tương truyền, chuối ngự trồng ở Đại Hoàng thường được tiến vua vì quả nhỏ, khi chín có màu vàng chanh, ăn rất ngọt, thơm. Trong tác phẩm Chí Phèo, nhà văn Nam Cao đã mô tả nơi Chí Phèo gặp Thị Nở là bối cảnh vườn chuối khi Thị Nở xuống sông gánh nước. Bát cháo hành và đêm tình yêu của Thị Nở đã thức tỉnh ước mơ của Chí về một cuộc sống gia đình hạnh phúc: "Tôi sẽ chặt hết chuối để trồng cây ăn quả. Chỗ triền sông kia tôi sẽ trồng dâu, nuôi tằm, để cho mình xe sợi". Đó toàn là hình ảnh của một làng quê ven sông.

Cá kho - một sản vật của sông nước của Đại Hoàng cũng đã quá nổi tiếng. Phía trước nhà Bá Kiến là cơ sở cá kho "Toản Hương". Những ngày thường cơ sở bán được trung bình vài chục nồi với giá từ 500.000 - 1.500.000 đồng, tùy vào kích thước. Hiện nay, cá kho làng Vũ Đại - một sản vật mang dáng dấp sông Hồng đã được phân phối từ Bắc vào Nam và theo chân các Việt kiều sang nhiều nước trên thế giới.

(Còn nữa)

Nguồn: Báo Tiền phong

Quay lại

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang online: 155
Tổng số truy cập: 16351034