Trang chủ

Tin tức

Sông Hồng ký sự - Kỳ 9: Gặp người lái đò còn sót lại
Từ khóa Xem với cỡ chữ

Trên sông Hồng hiện có chẵn 30 cây cầu bắc qua, nhiều bến đò, bến phà không còn nữa. Nhưng trên tuyến đường xuôi sông Hồng ra phía biển, chúng tôi vẫn có dịp trải nghiệm lại chuyến đò thú vị ngang qua sông giữa những ngày mùa đông giá rét…

Bến đò cổ

Từ cầu Thái Hà (trên tuyến đường nối Hà Nam - Thái Bình) xuôi theo đê sông Hồng chừng 10km là đến địa phận của xã Phú Phúc (Lý Nhân, Hà Nam). Ngỏ ý muốn qua sông, sang làng Mẹo (tức làng Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) được mệnh danh làng giàu nhất quê lúa, chúng tôi được hướng dẫn qua đò Phú Hậu (hay còn gọi là đò ông Lanh) thôn Duyên Hà. Từ xa xưa, làng Mẹo vốn nổi tiếng với nghề dệt truyền thống ở tỉnh Thái Bình. Hàng trăm năm qua, đò Phú Hậu là cầu nối giao thương duy nhất của người dân vùng đất chuyên trồng dâu nuôi tằm, dệt vải hai bên sông Hồng này.

Ông lái đò Phú Hậu Trần Hữu Lanh

Theo biển chỉ dẫn, từ đê sông Hồng đi về phía bãi bồi bên sông Hồng chừng 1,5km, chúng tôi đến bến đò Phú Hậu. Trên bến có 4 người đang quây quần bên ghế đá, rôm rả tán chuyện. Hỏi thăm ông Lanh, người đàn ông khoảng 60 tuổi, đầu tóc gọn ghẽ, tay to rắn chắc đứng lên chào. Ông Lanh tên đầy đủ là Trần Hữu Lanh, sinh năm 1962, người làng Duyên Hà, xã Phú Phúc. Khi vừa tròn 18 tuổi, ông Lanh xung phong đi lính nhưng vì vừa là con độc nhất, lại có bố là liệt sỹ chống Mỹ cứu nước nên ông được đưa về tuyến sau. Năm 1982, ông phục viên, về quê đánh bắt tôm cá. Đến năm 1991, HTX nông nghiệp Duyên Hà quyết định "tuyển" ông vào làm lái đò. "Phải là gia đình chính sách, khoẻ mạnh, lại có nghề sông nước mới được HTX, lãnh đạo xã đưa vào diện ưu tiên tuyển vào chân lái đò. Lúc bấy giờ khó khăn, được vào lái đò còn có đồng ra đồng vào, có tiền đong gạo, chứ trồng dâu, trồng đay thì khó khăn, cơ cực lắm", ông Lanh kể.

Ông Lanh nghe các bậc tiền bối trong làng kể lại, bến đò này xuất hiện lúc nhà bác học Lê Quý Đôn (sinh năm 1726 tại làng Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ - nay là thôn Phú Hiếu, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) làm quan dưới thời Hậu Lê. Lúc đó, nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ trên các bãi cát sông Hồng rất phát triển. Vì thế, khi nghề dệt ở đây phát triển mạnh, các chủ lái tơ tấp nập tìm đến đây, nhu cầu đi lại đặc biệt là đi đò qua sông rất lớn và đò Phú Hậu hình thành từ nhu cầu thực tế đó. "Cha mẹ tôi vốn là người thôn Đồng Phú, xã Độc Lập. Lúc tôi được sinh ra cũng là lúc sông Hồng đổi dòng chảy, bên Thái Bình là bên lở, còn bên Hà Nam là bên bồi. Anh em họ hàng chúng tôi chia nhau sang bên bãi sông Hồng (thuộc Hà Nam) để vỡ hoang trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Vì thế, đò sang sông lúc đó rất tấp nập", ông Lanh kể.

Vừa kể đến đó, có tiếng gọi ông Lanh gấp gáp: "Chú cho anh về nhà ăn giỗ!". Ông Lanh ngẩng mặt lên, ánh mắt trìu mến, gật đầu: "Mời bác lên, ta đi kẻo muộn!". Tôi xin lên theo chuyến tàu qua sông đó. Tiếng máy nổ chát chúa nhả khói đen đưa đò xuất phát. Đò phăng phăng tiến ra sông, nước lớn, sóng đánh ràn rạt.

Những chuyến đò đi vào ký ức

Ông Lanh kể tiếp, lúc đó, sông Hồng nước lớn lắm (chưa có thuỷ điện sông Đà điều tiết), nhiều xoáy sâu, muốn đưa đò sang sông phải buộc dây thừng vào cột buồm. Một người đi trên bờ kéo, người kia ở dưới đò thì chèo tay. "Những ngày nước chảy xiết, chúng tôi phải nhờ cả khách kéo cùng. Ngược bến chừng 1 - 2km rồi dong làm sao để vừa chèo, vừa thả trôi, để đò đến đúng bến bên kia. Lúc trở lại cũng làm y hệt thế. Lúc ấy chỉ có đò gỗ, rồi sau có đò sắt. Nước sông Hồng rất lớn, nếu chạy ngang, đò bị sóng đánh lật ngay. Nên để qua sông chỉ có hai cách là chèo ngược đè sóng và thả xuôi dòng nước", ông Lanh cho hay.

Đò Phú Hậu

Hơn 30 năm làm lái đò ở đất này, ông Lanh thuộc từng vùng xoáy, con nước, chỗ nào bờ lở, bờ cong nhưng cũng có lần suýt gặp nạn và trở thành kỷ niệm không thể quên. "Tôi còn nhớ, những năm 1992, 1993, 3 bố con nhà ông bạn bên xã Độc Lập gọi sang đò từ sáng sớm. Họ kéo theo một xe bò kéo tay để đi mua gỗ mít về đóng hòm đựng lúa. Trời mùa đông, mưa rét căm căm, trên sông mờ mịt, lạnh thấu xương. Đến tối trời càng mờ mịt, 3 người đó mới quay lại đến bến kéo theo cây mít tươi rất nặng. Đúng lúc lại có 7, 8 lái buôn người làng Mẹo vừa đi chợ về cũng xin qua đò. Đò bé, nếu chỉ chở 3 bố con và cây gỗ mít thì vừa tải nhưng quay lại sẽ rất muộn. Tôi làm liều, đưa cả 8 người lên đò. Đò chạy yên ổn trên khu vực bãi bồi nhưng ra đến luồng, nước về nhiều, sóng đánh mạnh vào mạn tàu, tưởng chừng lật úp. Nhanh tay, tôi ghì chặt cần lái, ngoắt tàu chạy xuống dòng thoát chết trong gang tấc. Mọi người trên tàu mặt cắt không còn giọt máu. Tàu sang đến bên kia sông, cách bến hơn 1km. Tôi cho người lên bãi về trước, một mình đưa tàu ngược dòng về bến. Đến nơi, tôi buộc tàu cho người bốc gỗ lên. Một mình vào quán, gọi một cốc rượu to, uống xong mới đủ bình tĩnh để lái đò trở về nhà", ông Lanh kể.

Rồi ông bảo, sau lần thoát chết ấy, ông quyết định đầu tư mua máy nổ, đầu tư tàu sắt để chạy cho an toàn. Nhưng lúc bấy giờ, bản thân chưa hiểu biết kỹ thuật, máy nổ thường xuyên hỏng hóc. Có ngày, đò chạy đến giữa sông thì chết máy, người lái phải chèo tay. Khi đưa tàu về bến, cũng mất nguyên nửa ngày mang máy đi sửa. Ngày đó, chân tay lúc nào cũng đen nhẻm vì dầu máy. Khi máy móc ổn định, nhàn được một chút thì lại có chuyện xảy ra. "Những ngày mùa đông lạnh buốt, quay máy không nổ. Có lần sơ ý, tay quay máy bị trượt, đập vào hàm, gãy 5 chiếc răng. Lúc ấy, chỉ nhanh trí lấy cốc nước muối súc miệng rồi tiếp tục nổ máy đưa khách sang sông cho kịp. Mấy năm sau, tôi mới có điều kiện đi trồng răng mới", ông Lanh kể.

Đời lái đò của ông Lanh gian truân nhưng đầy hạnh phúc. Trời phú cho ông có được sức khoẻ. "Tôi ngày xưa ăn hết cả cân gạo nếp nấu thành xôi. Bây giờ mỗi bữa cũng ăn hết cả cân thịt ba chỉ. Tôi là người lao động chân tay, nên thích trời rét. Mùa nào tôi cũng lội sông được. Quanh năm đi làm tôi chỉ mặc quần soóc, áo cộc tay, như thế cho tiện lái đò, tháo bốc dỡ hàng hoá. Năm nay, tôi vừa tròn 60 tuổi nhưng chỉ thỉnh thoảng hắt hơi, sổ mũi, chưa từng ốm nặng, cũng chưa bao giờ dùng đến viên thuốc tây", ông Lanh nói và cho biết, năm nào ông cũng được đi học các lớp tập huấn, nghiệp vụ lái đò.

Rồi ông tiếp tục câu chuyện: "Đò tôi lái đến bến không tắt máy, một khách cũng đi luôn. Mỗi ngày tiền công thu được không bằng người đi phụ xây nhưng tôi vẫn chở đò vì tình làng nghĩa xóm, không nề hà, tính toán. Tôi lái đò vì tình yêu, vì đã gắn bó với con đò bến nước này hơn 30 năm, không muốn bỏ.

(Còn nữa)

Nguồn: Báo Tiền phong

Quay lại

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang online: 158
Tổng số truy cập: 16355112