Trang chủ

Tin tức

Thông tin về hoạt động vận tải trên tuyến ĐTNĐ quốc gia trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 khu vực các tỉnh phía Nam
Từ khóa Xem với cỡ chữ

 

Kể từ ngày 13/9/2021 đến nay tại khu vực tỉnh phía Nam vẫn tiếp tục thực hiện hiện giãn cách xã hội, một số địa phương đã nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch từ việc áp dụng Chỉ thị 16 chuyển sang áp dụng Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay có tổng số cảng, bến thủy nội địa hoạt động là 214 cảng, bến; số cảng, bến tạm thời ngưng hoạt động do ảnh hưởng dịch Covid-19 là 1.796 cảng, bến, đã làm cho sản lượng vận tải giảm, để tháo gỡ khó khăn cho vận tải đường thủy nội địa hoạt động tại một số địa phương như sau:

- Hiện nay hầu hết các địa phương hướng dẫn các doanh nghiệp vận tải thủy, chủ cảng bến, khi cho tàu cập cảng, bến thì thông qua người ủy quyền để làm các thủ tục Cảng vụ và dịch vụ liên quan khác, thuyền viên không lên bờ, tránh tiếp xúc để giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Trường hợp không có người được ủy quyền khi phương tiện vào, rời cảng, bến thủy nội địa, cảng biển chỉ cử 01 người đại diện làm thủ tục cảng vụ và phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch theo quy định, người lên bờ phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 hoặc test nhanh kháng nguyên.

- Thành phố Hồ Chí Minh: Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 có Quyết định số 3324/QĐ-BCĐ ngày 15/9/2021 về ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

- Tỉnh Tây Ninh: Thực hiện Công văn số 2122/CĐTNĐ-VT-ATGT ngày 22/9/2021; Công văn số 2127/CĐTNĐ-VT-ATGT ngày 22/9/2021 của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở GTVT Tây Ninh đã ban hành văn bản số 1335/SGTVT ngày 24/9/2021 gửi các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động vận tải hàng hóa đường thủy nội địa tại các cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đăng ký tiêm và báo cáo số thuyền viên, người lái phương tiện và đội ngũ lao động làm việc tại cảng, bến thủy nội địa đã tiêm vắc xin ngừa bệnh Covid-19; Văn bản số 1336/SGTVT ngày 24/9/2021 gửi Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đề nghị ưu tiên tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19 cho thuyền viên, người lái phương tiện và đội ngũ lao động làm việc tại cảng, bến thủy nội địa.

- Thành phố Cần Thơ: UBND thành phố ban hành Công văn số 4111/UBND-HCTC ngày 23/9/2021, trong đó có quy định: kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận tải hàng hóa ra, vào thành phố, tuyệt đối không để người điều khiển và người đi cùng trên các phương tiện vận chuyển hàng hóa mang nguồn lây bệnh từ bên ngoài vào thành phố; Văn bản số 4089/UBND-KT ngày 23/9/2021 trong đó đã giao Giám đốc Sở GTVT triển khai thực hiện Quyết định số 1588/QĐ-BGTVT ngày 27/8/2021 của Bộ Giao thông vận tải.

- Tỉnh Hậu Giang: UBND tỉnh ban hành Công văn số 1782/UBND-NCTH ngày 05/9/2021; Công văn số 1734/UBND-NCTH ngày 16/9/2021, trong đó có nội dung chỉ đạo các cơ quan chức năng, các chốt kiểm soát trên địa bàn giải quyết, hướng dẫn, hỗ trợ tạo điều kiện lưu thông đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang. Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 đã ban hành Quyết định số 117/QĐ-SCH ngày 22/9/2021 về việc thành lập chốt kiểm dịch Covid-19 tại các vị trí cửa ngõ trọng điểm trên địa bàn tỉnh, trong đó có 04 chốt đường thủy.

- Tỉnh Sóc Trăng: Trung tân chỉ huy tỉnh ban hành Quyết định số 141 ngày 20/9/2021, trong đó có quy định: Người lái phương tiện, thuyền viên không được lên bờ; thực hiện thủ tục vào, rời cảng, bến thông qua người được ủy quyền, giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm. Trường hợp không có người ủy quyền làm thủ tục cảng vụ, thì cử 01 thuyền viên lên làm thủ tục cảng vụ và phải tuân các quy định của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19.

- Tỉnh Đồng Tháp: Sở Giao thông vận tải ban hành văn bản số 897/TB-SGTVT ngày 22/9/2021 thông báo danh sách 14 chốt kiểm soát dịch trên các tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Hiện nay, có 12 tỉnh thực hiện kiểm soát dịch trên đường thủy nội địa, với tổng cộng 63 chốt kiểm soát, trong đó: Đồng Nai 2 chốt; Long An 01 chốt; Tiền Giang 03 chốt; Đồng Tháp 14 chốt; Hậu Giang 04 chốt; Bạc Liêu 10 chốt; Cần Thơ 05 chốt; Trà Vinh 01 chốt; Cà Mau 03 chốt; An Giang 10 chốt; Sóc Trăng 03 chốt; Kiên Giang 07 chốt. Trong đó có tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và Trà Vinh bố trí lực lượng y tế tại các chốt để tổ chức test nhanh tại chỗ cho thuyền viên, người lái phương tiện. Hầu hết các chốt kiểm soát dịch trên đường thủy tại các địa phương yêu cầu thuyền viên, người lái phương tiện phải có: (1) Giấy đi đường hoặc giấy thông hành; (2) Giấy xét nghiệm âm tính với SAR-CoV-2 còn hiệu lực; (3) Phương án vận chuyển hàng hóa. Việc một số địa phương thành lập nhiều chốt kiểm soát dịch trên đường thủy và không tổ chức lực lượng test nhanh tại chỗ cho thuyền viên, người lái phương tiện trên đường thủy nội địa đã làm ảnh hưởng, khó khăn cho hoạt động vận tải đường thủy nội địa.

Đối với việc tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19 cho thuyền viên, người lái phương tiện và đội ngũ lao động làm việc tại cảng, bến thủy nội địa, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã ban hành Công văn số 2122/CĐTNĐ-VT-ATGT ngày 22/9/2021 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đồng thời làm việc với Sở Giao thông vận tải các tỉnh Tiền Giang, Long An, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Tây Ninh... về việc ưu tiên tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19 cho thuyền viên, người lái phương tiện và đội ngũ lao động làm việc tại cảng, bến thủy nội địa. Hiện nay, tỉnh Tiền Giang, Long An đã hoàn thành việc tiêm mũi 1 vắc xin phòng bệnh Covid-19 cho thuyền viên, người lái phương tiện, đội ngũ lao động làm việc tại cảng, bến thủy nội địa, ngoài ra các địa phương như An Giang, Tây Ninh và các địa phương khác cũng đang tích cực đẩy mạnh việc tiêm vắc xin cho thuyền viên, đội ngũ lao động làm việc tại cảng, bến thủy nội địa.

Thông tin về vụ tai nạn trên kênh Xà No: Vào hồi 18 giờ 45 phút ngày 19/9/2021 tại km 10+200 bờ phải kênh Xà No thuộc ấp 1B, xã Tân Hòa, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, phương tiện CM-24039 hành trình từ Cần Thơ đi Vị Thanh đến vị trí km 09+910 va quẹt vào trụ cầu Bốn Tổng, phương tiện bị trôi dạt và chìm tại tại km 10+200 (cách cầu 290m về phía hạ lưu). Ngay sau khi tai nạn xảy ra, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã chỉ đạo Chi Cục Đường thủy nội địa phía Nam, Cảng vụ ĐTNĐ khu vực IV, Công tty Cổ phần quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 12 phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, chủ phương tiện, đơn vị thi công trực vớt xử lý vụ tại nạn, điều tiết giao thông khu vực xảy ra tai nạn và tiến hành trục vớt phương tiện. Đến 14 giờ ngày 25/9/2021 công tác trục vớt phương tiện đã hoàn tất luồng đường thủy nội địa đã thông suốt, các phương tiện lưu thông qua khu vực này trở lại bình thường.

 

Hình ảnh hoạt động trục vớt phương tiện

Trong thời gian tới, các Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực tiếp tục bám sát địa bàn quản lý, chủ động tiếp nhận thông tin liên quan đến khó khăn vướng mắc, bất cập đối với hoạt động vận tải đường thủy nội địa trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương giải quyết, tháo gỡ cho doanh nghiệp vận tải thủy nội địa. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc không giải quyết được báo cáo, kiến nghị về Cục Đường thủy nội địa Việt Nam để xử lý; phối hợp với các địa phương trong việc thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19 cho thuyền viên làm việc trên phương tiện thủy nội địa, theo phương án linh hoạt nhất với mục tiêu phủ rộng hơn nữa việc tiêm vắc xin cho người lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường thủy nội địa./.

Phòng VT - ATGT

Quay lại

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang online: 108
Tổng số truy cập: 16375693